Tiếp nối chuỗi hội thảo "Xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông dành cho chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội", Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) đã tổ chức buổi hội thảo thứ 3 nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm dành cho các chuyên gia y tế trong việc dự đoán, phòng ngừa và xử lý khủng hoảng truyền thông.
5 bước để đánh giá tình huống và mức độ rủi ro
Phát biểu khai mạc, thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương, Trưởng Trung tâm truyền thông, BV ĐHYD TP.HCM, đã nhấn mạnh rằng trong thời đại số hóa, khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất kỳ đơn vị nào. Sự đột ngột và bất ngờ của khủng hoảng, cùng với tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng, có thể dẫn đến những thiệt hại to lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của cá nhân và cơ sở y tế. Việc ứng phó khủng hoảng phải hướng đến phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh" và khi sự cố xảy ra, cần giải quyết một cách đúng đắn và nhân văn.
Thạc sĩ Nam Phương khẳng định, việc bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tích cực truyền thông y tế, tham gia mạng xã hội, chia sẻ kiến thức, giải đáp thắc mắc và giao lưu với cộng đồng..., không chỉ giúp nâng cao uy tín cá nhân và đơn vị công tác mà còn xây dựng cộng đồng yêu mến, tin yêu cơ sở y tế. Tất cả đều góp phần gia tăng niềm tin và sự ủng hộ từ phía người dân, giúp chúng ta dễ dàng vượt qua khủng hoảng nếu có.
Trong phần trình bày của mình, tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long - Chủ nhiệm cấp cao chương trình quan hệ công chúng, Khoa Truyền thông và thiết kế, Trường ĐH RMIT Việt Nam, nhấn mạnh các chiến lược xử lý khủng hoảng truyền thông như nhận diện khủng hoảng, lập kế hoạch ứng phó và các bước phục hồi sau khủng hoảng. Tiến sĩ Thăng Long cũng đã chia sẻ quy trình 5 bước để đánh giá tình huống và mức độ rủi ro, bao gồm: Theo dõi sát sao, phân tích xu hướng, đánh giá mức độ nghiêm trọng, xác định nguyên nhân gốc rễ và chuẩn bị các tình huống xử lý.
Ông Long khẳng định rằng việc quản lý rủi ro và khủng hoảng đòi hỏi sự liên tục theo dõi và đánh giá để kịp thời ứng phó.
Mối quan hệ hợp tác tốt giữa bệnh viện và cơ quan báo chí
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, Trưởng phòng Truyền hình Báo Tuổi trẻ, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về đối phó với các vấn đề gây tranh cãi từ truyền thông. Ông Bình nhấn mạnh rằng ngành y tế là một ngành rất cao quý, nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các "đốm lửa" truyền thông tiêu cực. Do đó, mối quan hệ hợp tác tốt giữa bệnh viện và các cơ quan báo chí là yếu tố quan trọng giúp quản lý thông tin hiệu quả và xây dựng uy tín cho bệnh viện. Báo chí còn giúp cung cấp thông tin chính thống và minh bạch, vì vậy, những người làm truyền thông y tế cần chủ động kết nối với báo chí để sẵn sàng ứng phó và đối đầu trong mọi tình huống có thể gây ra khủng hoảng.
Diễn giả khách mời, thạc sĩ Mai Cẩm Linh, Giám đốc khối kinh doanh Công ty Younet Media, đã mang đến những góc nhìn thực tế từ việc theo dõi và xử lý khủng hoảng truyền thông cho nhiều doanh nghiệp lớn.
Thạc sĩ Cẩm Linh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng công cụ lắng nghe mạng xã hội để phát hiện sớm các dấu hiệu khủng hoảng và tạo dựng cộng đồng người ủng hộ mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Các diễn giả đều chỉ ra điểm mấu chốt để xử lý khủng hoảng truyền thông trong y tế là tôn trọng và đặt yếu tố sức khỏe, con người lên hàng đầu. Xử lý chuyên nghiệp nhưng nhân văn là cách dập tắt đốm lửa để nó không bùng phát và lan thành đám cháy lớn. Các bác sĩ, điều dưỡng và mọi ứng xử đúng, đầy tình người của họ chính là mấu chốt để ngăn ngừa tối đa mọi khủng hoảng.
Buổi hội thảo tiếp theo với chủ đề "Ứng dụng nghệ thuật kể chuyện để truyền tải kiến thức y khoa hiệu quả" sẽ được tổ chức vào lúc 14 giờ ngày 9.8 tại BV ĐHYD TP.HCM.
Bình luận (0)