Trước các vụ khiếu nại, tranh chấp đất đai kéo dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải có chuyên đề để giải quyết dứt điểm tình trạng này để các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai không trở thành điểm nóng về an ninh trật tự.
Thủ tướng đặt vấn đề Bộ Thông tin - Truyền thông cần có biện pháp tuyên truyền thế nào; Thanh tra Chính phủ củng cố công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp dân, không để xảy ra điểm nóng ra sao... “Chủ tịch các tỉnh đã đối thoại với dân chưa, đã lắng nghe dân để giải quyết thấu tình, đạt lý chưa, đã đi sát, kiểm tra kết luận của mình đúng sai ra sao?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và nhấn mạnh về việc cần giải quyết các vấn đề, vụ việc ngay ở địa phương, ở cấp cơ sở.
Nêu rõ tinh thần Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu, Thủ tướng cho rằng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự và tổ chức thực hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời các yếu tố có thể dẫn tới mất an ninh trật tự ở địa phương, nhất là tăng cường củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt địa bàn có vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng triển khai dự án.
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại việc triển khai các dự án liên quan đến thu hồi đất. Có chuyên đề giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện khi mới phát sinh, làm sao bảo đảm lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân, không để các phần tử xấu kích động, lôi kéo, xuyên tạc, chống phá; giải quyết khiếu kiện đất đai phải có lý, có tình, vận động thuyết phục. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tăng cường chỉ đạo xây dựng, củng cố lực lượng, chủ động phối hợp kịp thời, chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương để giải quyết mọi tình huống xấu có thể xảy ra, đặc biệt là chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp. Chủ động nắm tình hình kỹ hơn, chủ động phòng ngừa tốt hơn và đưa ra phương án đấu tranh, ngăn chặn mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn để bảo đảm an ninh trật tự.
Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc xây dựng, triển khai phương án ứng phó các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Chủ động bố trí lực lượng phối hợp với các địa phương làm tốt công tác dân vận. Bộ Thông tin - Truyền thông được yêu cầu chủ trì phối hợp với Bộ Công an và cơ quan liên quan có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, chủ động phát hiện, ngăn chặn, phản bác các luồng thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kịp thời cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bình luận (0)