Xe

Xử lý nghiêm lãnh đạo địa phương để người nghiện tái xuất

09/09/2016 08:23 GMT+7

Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu, sau khi Thanh Niên ngày 8.9 đăng bài Người nghiện tái xuất .

Trả lời Thanh Niên ngày 8.9, bà Thu cho rằng tốc độ đô thị hóa của TP.HCM rất nhanh làm gia tăng dân số cơ học, kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có nhiều người nghiện đến TP sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật; có nhiều người trốn trường, trốn trại, có tiền án, tiền sự ẩn nấp, buôn bán và sử dụng ma túy làm gia tăng số người nghiện tại TP. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương một số nơi quản lý địa bàn không chặt nên người nghiện tiêm chích ma túy công khai.
“TP đã có quy định nơi nào để người nghiện tiêm chích ma túy nơi công cộng, gây bức xúc dư luận thì người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước những nơi đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật. TP xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo quận, huyện để người nghiện tái xuất. Bên cạnh đó cũng xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý địa bàn của lãnh đạo, các đơn vị chức năng phường, xã, thị trấn”, bà Thu khẳng định.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, nhìn nhận việc xử lý người nghiện không được cải thiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự, bởi phần lớn các vụ cướp giật, trộm cắp… do người nghiện gây ra. Về xử lý trách nhiệm của công an địa phương khi để xảy ra những “điểm nóng” ma túy, người nghiện tiêm chích công khai, ông Phong nói: “Tinh thần của Công an TP là quyết liệt chống tội phạm. Những cá nhân nào lơ là nhiệm vụ này phải bị xử lý. Chúng tôi kiên quyết không bao che, thậm chí sai phạm đến mức xử lý hình sự thì cũng phải xử lý hình sự. Như thế thì quản lý mới nghiêm, mới giữ được kỷ cương”.
Nhiều quy định còn bất cập
Người nghiện tái xuất nhiều ở những nơi công cộng trong thời gian gần đây, theo ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), có thể nằm trong số khoảng 9.000 người nghiện còn “lòng vòng” trong cộng đồng và gần 1.000 người vừa trở về từ các trung tâm cai nghiện sau khi chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc.
Ông Du cho rằng tình hình người nghiện diễn biến phức tạp, đứng trước nguy cơ khó kiểm soát cũng do hàng loạt quy định pháp luật còn bất cập, vướng mắc. “Bức xúc nhất là tình trạng người nghiện chưa thành niên (từ 12 đến dưới 18 tuổi) cả đống mà không làm được gì, thậm chí đang bị thả nổi cũng vì quy định “chỏi” nhau”, ông Du nói và dẫn chứng: “Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 135/2004 có quy định về việc đưa người nghiện chưa thành niên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và chủ tịch UBND quận, huyện sẽ là người chịu trách nhiệm ra quyết định, trong khi luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221/2013 của Chính phủ chỉ quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy đủ 18 tuổi trở lên, chưa kể Nghị quyết 98 của Chính phủ quy định các cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ tiếp nhận người nghiện có quyết định của tòa án, không tiếp nhận các trường hợp khác”.
Cũng theo ông Du, Nghị định 221/2013 quy định cơ quan lập hồ sơ phải thông báo đã hoàn thành việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho người nghiện hoặc đại diện hợp pháp của họ biết, trước khi chuyển hồ sơ theo các trình tự tiếp theo, khiến công tác đưa người đi cai không hiệu quả. Bởi sau khi nhận thông báo, hầu hết người nghiện đều có tâm lý bỏ trốn khỏi địa phương. “TP.HCM có khoảng 40 - 60% người nghiện ma túy từ nhiều tỉnh, thành khác đến, người nghiện lang thang, sống nhiều nơi, nhiều chỗ. Có nhiều người nghiện từng đi cai nghiện nhiều lần, nắm được quy định về xác minh nơi cư trú nên cố tình khai nhiều địa chỉ, khai không đúng sự thật để cơ quan chức năng không xác định được nơi cư trú của họ. Trong khi đó, quy định về nơi cư trú không ổn định chưa rõ ràng và chưa có quy định trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân khi được yêu cầu xác minh trình trạng cư trú của người nghiện. Hệ lụy là có những trường hợp buộc phải đưa người nghiện ra khỏi cơ sở xã hội và không biết bàn giao cho cơ quan nào quản lý mặc dù họ đã nghiện rất nặng như loạn thần, ảo giác... và có thể gây án bất cứ lúc nào”, ông Du nói thêm.
“TP đang báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan sớm xem xét sửa đổi những chính sách pháp luật liên quan đến người nghiện ma túy nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà TP đang đối mặt. Nếu như không được tháo gỡ kịp thời, tình hình người nghiện sẽ còn phức tạp hơn”, bà Nguyễn Thị Thu khẳng định.
Ngày 8.9, Công an H.Hóc Môn, TP.HCM đã truy quét, vây bắt người nghiện ở khu vực ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn mà Thanh Niên phản ánh. Thượng tá Lâm Văn Minh, Phó trưởng công an H.Hóc Môn, cho biết chưa nắm được số liệu, thống kê cụ thể số lượng người nghiện bị bắt nên chưa thể trả lời chi tiết được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.