Thường trực Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; báo cáo kết quả chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Chiều cùng ngày, thông báo kết quả cuộc họp, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) Đặng Văn Dũng cho biết Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá từ đầu năm tới nay, công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, hiệu quả, có bước tiến mới cả ở T.Ư và địa phương. Nhiều vụ án, vụ việc được khởi tố mới, mở rộng điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm kể cả khu vực nhà nước, và ngoài nhà nước, cả trong lĩnh vực được coi là bí mật, khép kín, cả các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
'Nhận hối lộ 5,2 triệu USD trong vụ Vạn Thịnh Phát là lớn nhất từ trước nay'
Ông Dũng dẫn chứng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng làm sân sau cho doanh nghiệp; vừa qua, cơ quan chức năng đã khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can và tới nay đã khởi tố tổng cộng 3 vụ án với 108 bị can. Trong đó, có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.
"Đặc biệt, lần đầu tiên đã khởi tố, điều tra, truy tố tội phạm tham ô tài sản ngay cả đối tượng là chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước với bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả đối tượng bỏ trốn là bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC, và các đồng phạm…", ông Dũng nhấn mạnh.
9 CUỘC KIỂM TRA LIÊN QUAN FLC, AIC, VẠN THỊNH PHÁT
Cạnh đó, theo Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, vừa qua, các cơ quan đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan vụ án, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo và những vụ việc nổi cộm, có nhiều dư luận liên quan đến suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập… Đến nay, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra liên quan các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, AIC. Hiện chỉ mới kết thúc 3 cuộc kiểm tra tại Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Nam và đã xử lý kỷ luật 26 tổ chức Đảng, 57 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, gồm 3 nguyên bí thư tỉnh ủy và 4 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh.
"Hiện còn 6 cuộc kiểm tra đang được tiến hành. Sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Cẩm Tú tại phiên họp khẳng định sẽ phấn đấu kết thúc trong năm nay. Sắp tới sẽ có thông báo thêm kết quả một vài cuộc nữa", ông Dũng cho hay.
Phó trưởng ban Nội chính Trung ương nói về việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng
Một kết quả nổi bật khác là công tác thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỉ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỉ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 49,44%). Trong đó, riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay đã thu hồi được trên 53.800 tỉ đồng, cao gấp 2 lần số tài sản thu hồi được của cả nhiệm kỳ Đại hội XII.
Cũng theo ông Dũng, Thường trực Ban Chỉ đạo hoan nghênh việc Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tại cuộc họp, Tổng Bí thư yêu cầu cần phải chấn chỉnh, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm; phải tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ khâu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật.
PHÂN HÓA XỬ LÝ CÁC ĐỐI TƯỢNG TRONG VỤ ÁN VẠN THỊNH PHÁT, FLC
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Đặng Văn Dũng cho biết Thường trực Ban Chỉ đạo giao các cơ quan theo chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án để thu hồi tài sản tham nhũng; khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản; khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản liên quan đến vụ án ở giai đoạn điều tra, truy tố. "Yêu cầu là thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh thất thoát, lãng phí, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án", ông Dũng cho hay.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát...
Tổ giám sát SCB cũng nhận tiền 'khủng' từ nhóm bà Trương Mỹ Lan
Cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu từ nay đến hết năm 2023, kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án; xét xử sơ thẩm 7 vụ án, xét xử phúc thẩm 3 vụ án. Trong đó, phấn đấu ban hành cáo trạng truy tố đối với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan và vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty chứng khoán BOS và các công ty liên quan. Đưa ra xét xử sơ thẩm 4 vụ án trọng điểm, gồm: vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác, nghiên cứu sản xuất kit test Covid-19 với Công ty Việt Á); vụ án xảy ra tại Công ty CP công nghệ Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).
Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng vi phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Tập đoàn FLC theo đúng quy định của pháp luật. Theo ông Dũng, tại cuộc họp, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, phải kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, phải làm triệt để, có hiệu quả; xem xét xử lý nghiêm những trường hợp làm chậm, trì trệ, làm cho có ví dụ như bỏ dở giữa chừng, chờ cho hết thời hạn rồi dừng… Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp để đạt hiệu quả cao hơn nữa, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh…
Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 1 triệu tỉ đồng rút từ SCB đã đi đâu?
5,2 triệu USD là số tiền hối lộ lớn nhất trước nay
Tại cuộc họp thông báo kết quả cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo chiều 22.11, báo chí đặt câu hỏi về thông tin cả 24 thành viên đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước tại SCB theo kết luận của cơ quan công an đều nhận hối lộ. Trong đó, trưởng đoàn thanh tra là bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), nhận hối lộ lên tới 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỉ đồng).
Về thông tin nói trên, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên khẳng định đây là số tiền nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay.
Về chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng vi phạm trong các vụ án, ông Yên cho hay những trường hợp sai phạm nhận tiền lớn, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã bị khởi tố và đề nghị truy tố. Còn một số đối tượng thì cân nhắc tính chất, mức độ, đặc biệt là nguyên nhân, bối cảnh nhận tiền để xem xét xử lý. "Có một số đối tượng rơi vào tình cảnh không có thỏa thuận, không có cam kết, đòi hỏi; tiền nhận số lượng ít vào dịp lễ, tết…", ông Yên nói, và cho hay với các trường hợp không xử lý về hình sự thì sẽ xử lý nghiêm bằng kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính.
Bình luận (0)