Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng chia sẻ với báo chí sau cuộc họp sáng nay, 3.8, với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, liên quan đến vụ 569 đối tượng làm hồ sơ giả mạo thương binh.
Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm đến vụ việc Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH phát hiện 569 trường hợp làm giả hồ sơ thương binh tại Nghệ An với số tiền trục lợi lên tới 100 tỉ đồng. Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Bộ đã thống nhất giải quyết vụ việc này như thế nào?
Ông Lê Tấn Dũng: Qua thanh tra tại Nghệ An, Bộ LĐ-TB-XH đã phát hiện 569 trường hợp làm hồ sơ không trung thực để trục lợi chính sách. Cụ thể, những đối tượng này đã làm hồ sơ giả, lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thương binh thật, khi làm hồ sơ, họ không trình giấy tờ gốc mà muốn làm tắt cho nhanh. Những trường hợp này phải bình tĩnh xem xét theo quy định của pháp luật.
Quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH, nếu là người có công thực sự là phải đảm bảo hồ sơ, thủ tục, chế độ chính sách, ưu đãi của Đảng và Nhà nước tới đúng đối tượng người có công với cách mạng. Đối với những trường hợp không có công nhưng làm hồ sơ để hưởng chế độ, thì kiên quyết thu hồi, xử lý. Kể cả các cấp, các ngành, cá nhân, tập thể nào có liên quan trong quá trình công tác làm sai hồ sơ này cũng xử lý trách nhiệm, chứ không phải chỉ tập trung vào hồ sơ sai để thu hồi.
Tại buổi làm việc sáng nay, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng xác nhận có nhiều đối tượng hưởng không đúng và sẵn sàng chấp nhận xử lý theo quy định, sai ở đâu khắc phục ở đó. Bộ LĐ-TB-XH và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã nhất quán với tinh thần quyết tâm làm đến cùng, xử lý giải quyết đến cùng, truy ra ở đâu không đúng phải thu hồi về.
|
Tình trạng làm hồ sơ thương binh giả để trục lợi không phải bây giờ mới xảy ra nhưng vẫn tiếp diễn trên thực tế thì trách nhiệm thuộc về ai? Có giải pháp nào ngăn ngừa, răn đe những vụ việc tương tự?
Theo tôi, một trong những nguyên nhân là do lỗ hổng do pháp luật chưa đồng bộ. Chẳng hạn, để chứng minh là thương binh thì phải có 2 người làm chứng để đảm bảo tính chính xác, nhưng thực tế họ lợi dụng cái này và nhờ nhiều người làm chứng.
Còn trách nhiệm, trước hết là các cơ quan được giao đề xuất thủ tục làm hồ sơ như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB-XH và các cấp chính quyền. Những hồ sơ giả tại Nghệ An liên quan nhiều đến Bộ Quốc phòng và làm theo kênh của quân đội. Sau khi làm xong, họ chuyển về ngành lao động để hưởng chính sách. Trong vụ việc này còn có trách nhiệm của Quân khu 4.
Để khắc phục lỗ hổng này, sắp tới Bộ đã xin chủ trương sửa toàn bộ Pháp lệnh Người có công và sửa theo hướng khắc phục những khiếm khuyết, bất cập, những tồn tại còn tính pháp lý. Chế tài đối với những trường hợp trục lợi chính sách, hiện chế tài chưa cụ thể lắm.
Tới đây, những trường hợp không là thương binh mà tự nhận mình là thương binh, hưởng số tiền 100 - 200 triệu đồng, không chỉ đơn giản chỉ thu hồi lại mà theo pháp lệnh sửa đổi là phải xử lý trách nhiệm, tùy theo mức độ đến đâu.
Số tiền trục lợi chính sách hơn 100 tỉ tại Nghệ An là con số không nhỏ. Với những trường hợp gia đình hoàn cảnh khó khăn hoặc đã qua đời thì làm sao để thu hồi, thưa ông?
Những trường hợp trục lợi mà đã qua đời thì chúng tôi đang xin ý kiến Chính phủ. Còn đối với đối tượng “3 nghèo”: hộ nghèo, hộ cận nghèo, bệnh hiểm nghèo thì thu hồi là khó, nhưng không có nghĩa khó là xóa cho họ. Quan điểm Bộ LĐ-TB-XH đối với đối tượng này, nếu chưa trả được ngày hôm nay thì ngày mai trả, mai chưa trả được thì ngày hôm sau trả, lúc nào có điều kiện là phải trả, bởi tiền chính sách cũng là tiền của người dân đóng thuế. Nguyên tắc là sai phải thu hồi. Khi phát hiện sai thì đình chỉ đi kèm quyết định thu hồi từ ngày có quyết định phải hoàn trả.
Để thu hồi không phải dễ dàng vì đối tượng thuộc nhiều hoàn cảnh, có thể không nằm trong nhóm nghèo nhưng thu nhập không ổn định. Với trường hợp sai phạm số lượng lớn thì tiếp tục rà soát, phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, trong đó, trách nhiệm đối với phần thu được và chưa thu được thì có hướng xử lý và giải quyết như thế nào, ai chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Sau Nghệ An, tới đây, Bộ LĐ-TB-XH còn công bố kết luận thanh tra những địa phương nào?
Từ năm 2016, Bộ LĐ-TB-XH đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng thanh tra việc xác lập hồ sơ thương binh tại 5 quân khu. Không chỉ riêng Nghệ An, sắp tới Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về đối với trường hợp hưởng sai chính sách trên toàn quốc.
Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các trường hợp hồ sơ thương binh tại các quân khu. Nếu sau lần rà soát, xử lý này, đối với những trường hợp có công thực sự, sẽ giao cho cơ quan chức năng rà soát lại, làm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật hiện hành.
Phát hiện hơn 1.800 hồ sơ giả mạo thương binh
Theo Bộ LĐ-TB-XH, tính đến năm 2017, qua kiểm tra hơn 60.000 hồ sơ thương binh tại các đơn vị, địa phương nêu trên, lực lượng chức năng phát hiện hơn 12.000 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó, có hơn 1.800 hồ sơ giả mạo.
Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị các cơ quan có liên quan ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỉ đồng, giảm chi ngân sách hàng năm trên 37 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)