Xử lý những ‘quả bom’ treo lơ lửng trên đầu người dân vùng mỏ Quảng Ninh

30/06/2021 17:54 GMT+7

Việc tận dụng đất đá thải ra từ mỏ để làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án vừa giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường , vừa giảm nỗi lo sạt lở treo trên đầu người dân Quảng Ninh.

Những "quả bom" treo trên đầu người dân

Hàng chục năm qua, các bãi đổ thải trong quá trình khai thác than tại Quảng Ninh ngày càng lớn dần, hình thành nên những quả núi đất đá nhân tạo khổng lồ.
Dù đứng ở bất kỳ đâu tại thành phố mỏ Cẩm Phả ai cũng nhức mắt với hình ảnh ngày ngày các bãi thải xả bụi đen kịt xuống khu dân cư, nơi có hàng nghìn người dân sinh sống xung quanh.
Đáng chú ý, cứ vào mùa mưa bão là hàng nghìn người dân ở TP.Cẩm Phả lại khổ vì cảnh chạy lũ, khi bùn đất tấn công vào nhà làm hư hại tài sản, cuốn trôi vườn cây, hoa màu…
Ám ảnh nhất ở Cẩm Phả là người dân P.Mông Dương khi hàng ngày phải "sống chung" với bụi. Ngụ tại khu 4, P.Mông Dương, ông Nguyễn Trung T. (60 tuổi) cho biết, người dân nơi đây bao đời nay đã quen với cảnh bụi từ các bãi thải mỏ phát tán.

Các bãi thải mỏ tại TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) cao hàng trăm mét như núi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở

Ảnh N.H

“Nhà tôi đầu tư 2 lần cửa mà không tránh khỏi bụi đen xộc vào nhà, rèm cửa cũng có nhưng không ăn thua. Sáng ngủ dậy chỉ cần lấy tay xoa nhẹ lên mặt bàn là thấy rõ bụi than đen sì bám”, ông T. nói.
Trong ký ức kinh hoàng của người dân P.Mông Dương chưa thể quên trận lũ lịch sử năm 2015. Cơn lũ bùn đất từ bãi thải Đông Cao Sơn đổ ập xuống “nuốt chửng” hàng chục ngôi nhà.
Tại TP.Hạ Long, người dân tại các phường Cao Xanh, Hà Khánh và Hà Tu hàng ngày cũng lĩnh đủ bụi từ bãi thải mỏ của các doanh nghiệp ngành than.
Hàng chục năm qua, đã rất nhiều kiến nghị của cử tri Cẩm Phả, Hạ Long gửi tới các cấp có thẩm quyền để xử lý những “quả bom” treo trên đầu người dân. Mặc dù các lá đơn ngày một xếp dày lên, bãi thải cũng đã đạt tới tận cùng độ cao hàng trăm mét, nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết.

Biến đất đá thải làm vật liệu san lấp

Theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, địa phương này có 59 dự án khai thác than, với 6 bãi thải lớn của ngành than đang hoạt động. Trong khi đó, mỗi năm các đơn vị thuộc Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam thải từ 250 - 300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than.
Mỗi năm gần đây, ngành than phải đổ trên 100 triệu m3 đất đá thải mỏ. Có những bãi thải mỏ tồn tại hàng trăm năm, nay chất như núi, như: bãi Đông Cao Sơn cao hơn 300 m, bãi Cọc Sáu cao 280 m, bãi Nam Đèo Nai cao 200 m. Những "núi thải" này đang ngày đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống nhân dân và còn tạo thành những quả “bom bùn” treo lơ lửng trong mùa mưa lũ.
Để giải quyết vấn đề này, từ cuối năm 2020, tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu xây dựng đề án “Tận dụng nguồn đất đá thải mỏ bỏ đi để làm vật liệu san lấp”. Bước đầu đề án này đã được Bộ TN-MT cho phép triển khai thí điểm tại vỉa 14 cánh Tây mỏ than Núi Béo (TP.Hạ Long), với trữ lượng khoảng 700.000 m3, để phục vụ cho dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Cuối tháng 3 năm nay, những tấn đất đá thải mỏ đầu tiên từ khu vực vỉa 17 cánh Tây thuộc Công ty CP Than Núi Béo đã được bốc xúc, phục vụ san lấp dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Theo kế hoạch, có 700.000 m3 đất đá thải mỏ không có khoáng sản đi kèm sẽ tiếp tục được lấy phục vụ đắp đất nền đường dự án này, dự kiến phấn đấu trong năm 2021 sẽ hoàn thành dự án.
Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, cho rằng việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng cho dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đảm bảo cả về chất lượng và trữ lượng để san lấp.

Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dùng nguồn vật liệu từ đất đá tại các bãi thải mỏ

Ảnh N.H

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh dự kiến tận dụng bãi thải Bàng Nâu (TP.Cẩm Phả) để làm vật liệu san lấp các dự án tại trên địa bàn H.Vân Đồn. Được biết, bãi thải này có diện tích rộng trên 435 ha. Đây là nơi đổ thải đất đá của mỏ Công ty CP Than Cao Sơn thuộc TKV. Trung bình mỗi năm, sản lượng đổ thải tại bãi thải mỏ Bàng Nâu đạt khoảng 40 triệu m3 đất đá, đến nay đạt trên 150 triệu m3 (chiếm 50% sản lượng quy hoạch bãi thải).
Thời gian tới, nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh sẽ có hàng loạt các dự án lớn cần san lấp mặt bằng, nhu cầu sử dụng đất đá lớn. Nếu tận dụng được đất đá thải mỏ thì vừa không phá rừng cũng như địa hình tự nhiên, vừa giảm áp lực cho ngành than.
Hồi tháng 3, kiểm tra các bãi thải mỏ tại TP.Hạ Long, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, Quảng Ninh và ngành than sẽ quyết tâm đổi mới tư duy, tầm nhìn để xây dựng và triển khai các đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn đất đá thải mỏ đang chiếm dụng hàng nghìn héc ta đất mỗi năm và gây ra những hệ lụy khôn lường về môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, địa phương này đã giao ngành than nghiên cứu việc đưa moong khai thác lộ thiên đã kết thúc khai thác trở thành những hồ dự trữ nước ngọt, vừa bảo đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước, lại giảm được chi phí và thời gian so với phương án hoàn thổ vốn vừa khó khăn trong thực hiện mà chi phí lại tốn kém như trước đây; yêu cầu báo cáo các cơ quan chức năng thí điểm triển khai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.