Trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, ngoài thủ đoạn thâu tóm các gói thầu trị giá cả trăm tỉ đồng, điều khiến nhiều người choáng váng là hành vi nhận hối lộ của loạt cựu quan chức, cán bộ tỉnh này cũng như số tài sản thuộc sở hữu của họ.
TÀI SẢN KẾCH XÙ CỦA CỰU NỮ GIÁM ĐỐC SỞ
Theo kết luận điều tra, giai đoạn 2016 - 2019, được sự "bật đèn xanh" của bà Vũ Liên Oanh, bà Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch Công ty NSJ, chỉ đạo nhân viên thực hiện nhiều chiêu trò để thâu tóm 6 dự án mua sắm trang thiết bị giáo dục với tổng giá trị hơn 636 tỉ đồng. Do giá các trang thiết bị đều bị nâng khống, chỉ tính riêng tại 2 gói thầu năm 2019, ngân sách đã bị thiệt hại hơn 80 tỉ đồng, 4 gói còn lại đến nay chưa đủ căn cứ xác định thiệt hại.
Sau khi thực hiện xong các dự án, bà Nga nhiều lần đưa hối lộ bằng tiền mặt cho các quan chức Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh: bà Oanh nhận 14 tỉ đồng; ông Ngô Vui, cựu Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, nhận 14,8 tỉ đồng; ông Hà Huy Long, cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, nhận 1,855 tỉ đồng. Trong đó, bà Oanh nhận tiền 4 lần, kéo dài trong nhiều năm, từ khi còn đương chức đến cả lúc đã về hưu; việc đưa và nhận tiền phần lớn diễn ra ngay tại phòng làm việc của bị can tại trụ sở Sở GD-ĐT.
Đáng chú ý, quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên khối tài sản kếch xù liên quan đến bà Oanh, bao gồm 8 bất động sản (BĐS) và 1 ô tô. Số BĐS này bao gồm 1 lô đất diện tích 347 m2 tại xã Xuân Sơn (TX.Đông Triều, Quảng Ninh), đứng tên chủ sở hữu vợ chồng bà Oanh; 6 lô đất diện tích 60 - 216 m2 nằm rải rác tại các phường: Cao Xanh, Hồng Hải, Hồng Hà (TP.Hạ Long, Quảng Ninh), đều đứng tên chủ sở hữu vợ chồng bà Oanh; 1 lô đất diện tích hơn 113 m2 cũng tại P.Hồng Hà nhưng được bà Oanh nhờ mẹ ruột đứng tên sở hữu. Được biết, các lô đất đứng tên bà Oanh và người thân đều nằm ở những vị trí đắc địa, có giá trị rất lớn.
Cơ quan điều tra cũng kê biên nhiều tài sản liên quan đến các bị can khác, gồm 1 BĐS của ông Ngô Vui, 2 BĐS đứng tên chủ sở hữu vợ chồng ông Hà Huy Long và 3 sổ tiết kiệm trị giá 5 tỉ đồng đứng tên riêng ông Long.
Đến nay, 2 bị can Vui và Long đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính, còn bị can Oanh dù có mong muốn tự nguyện nộp lại tiền nhưng gia đình chưa thực hiện.
Xem nhanh 12h ngày 25.6: Bản tin thời sự toàn cảnh
QUY TRÌNH XỬ LÝ RA SAO ?
Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội), thẩm quyền quyết định "số phận" của những tài sản trên thuộc về tòa án. Với bị can Vũ Liên Oanh, nếu tòa xác định bà Oanh có tội và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nộp lại tiền hưởng lợi bất chính, việc kê biên các tài sản sẽ có ý nghĩa đảm bảo cho nghĩa vụ này.
Có 2 tình huống có thể xảy ra. Thứ nhất, quá trình giải quyết vụ án, bà Oanh chủ động nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi bất chính và khắc phục toàn bộ hậu quả (trong phạm vi nghĩa vụ của mình), tòa án sẽ giải tỏa các lệnh kê biên, trả lại tài sản cho gia đình. Thứ hai, đến thời điểm tòa tuyên án mà bà Oanh vẫn chưa nộp hoặc nộp không đủ, các tài sản sẽ tiếp tục bị kê biên.
CHƯA NỘP LẠI TIỀN CÓ ĐƯỢC XEM XÉT GIẢM NHẸ?
Như đã đề cập, bà Vũ Liên Oanh có mong muốn nộp lại tiền nhận hối lộ nhưng đến nay gia đình chưa thực hiện được. Dù vậy, cơ quan điều tra vẫn đề nghị xem xét khi lượng hình. Tình huống này đặt ra câu hỏi: bị can mới chỉ có nguyện vọng chứ chưa nộp tiền thì có được xem là tình tiết giảm nhẹ?
Theo LS Diệp Năng Bình (Đoàn LS TP.HCM), khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ, trong đó có "người phạm tội tự nguyện sửa chữa bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả". Tuy nhiên, quy định không nói rõ việc có nguyện vọng nhưng chưa nộp tiền thì có được xem là tình tiết giảm nhẹ hay không.
Trên thực tế, có trường hợp mặc dù bị can mong muốn nộp tiền bồi thường nhưng vì nhiều lý do khách quan chưa kịp thực hiện dẫn tới việc chậm trễ nộp tiền bồi thường.
Trong vụ án xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, bị can có mong muốn nộp lại tiền, đồng thời cơ quan điều tra đã phong tỏa nhiều tài sản liên quan để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Tình huống này, tòa án có thể cân nhắc, xem xét áp dụng khoản 2 điều 51 bộ luật Hình sự về việc áp dụng "tình tiết giảm nhẹ khác" cho bị can, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
"Hiện vụ án mới kết thúc giai đoạn điều tra, còn giai đoạn truy tố và xét xử, nếu bà Oanh và gia đình chủ động nộp tiền khắc phục, thì vẫn hoàn toàn có thể được ghi nhận và xem xét là tình tiết giảm nhẹ", LS Bình nói.
Chuyển sang giai đoạn thi hành án (THA), ngoài phần trách nhiệm hình sự, cơ quan THA sẽ thi hành phần trách nhiệm dân sự đối với bà Oanh. Cựu giám đốc sở và gia đình có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu, chứng cứ về nguồn gốc hình thành tài sản. Nếu xác định các BĐS hình thành trong thời kỳ hôn nhân, sau khi định giá, cơ quan THA sẽ xử lý 50% giá trị tài sản (tức là phần của bà Oanh) để THA (bằng hình thức bán đấu giá chẳng hạn).
LS Hoàng Công Tâm (Đoàn LS TP.Hà Nội) nhận định ngoài bị cáo buộc nhận hối lộ 14 tỉ đồng, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh còn bị truy tố thêm tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, với vai trò cầm đầu, số tiền thiệt hại hơn 80 tỉ đồng. Nếu tòa án xác định bà Oanh phạm tội như đã nêu, ngoài trách nhiệm hình sự, bà này còn đối diện với phần trách nhiệm dân sự rất lớn.
Để đảm bảo THA phần trách nhiệm dân sự trên, cơ quan tố tụng đã kê biên 8 BĐS và 1 động sản liên quan đến bà Oanh. LS Tâm đánh giá đây là phương án tối ưu nhằm ngăn chặn nguy cơ chuyển dịch, tẩu tán tài sản, cho thấy sự kịp thời của cơ quan tố tụng, hướng đến mục tiêu thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước.
Xem nhanh 20h ngày 24.6: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)