Xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà như thế nào để tránh lây nhiễm?

06/03/2022 15:16 GMT+7

Số bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà đang tăng cao, gây nên nỗi lo về vấn đề xử lý rác thải của những F0 điều trị tại nhà.

Số bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà tăng cao, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh qua rác thải sinh hoạt

lê quân

Mỗi nơi một kiểu

Đang là F0 điều trị tại nhà, ông Nguyễn Dũng (H.Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, lượng rác mỗi ngày còn tăng hơn so với bình thường. Lý do là khi F0 điều trị tại nhà thì bổ sung nhiều hoa quả, đồ ăn cũng phải tăng cường, cải thiện hơn so với khi khoẻ mạnh. Ông Dũng kể, xung quanh hầu như nhà nào cũng có bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà, trong khi rác thải sinh hoạt vẫn được tập kết theo cách truyền thống: đem các túi rác đã gói lại để ở cổng rồi nhân viên môi trường sẽ đến thu gom. Việc để lẫn lộn rác thải sinh hoạt và rác thải của F0 điều trị tại nhà diễn ra phổ biến.

Chị Thu, một nhân viên vệ sinh môi trường tại H.Đan Phượng cho biết hầu như gia đình nào cũng có F0 điều trị tại nhà nhưng việc xử lý rác không khác bình thường. Nhân viên vệ sinh như chị cũng chỉ thu gom từ các hộ gia đình và đưa về điểm tập kết mà không có phân loại. "Nguy cơ, rủi ro lây nhiễm Covid-19 từ công việc thu gom rác thải sinh hoạt là hiển hiện nhưng cũng phải chấp nhận thôi. Chỉ mong những gia đình có F0 điều trị tại nhà chú ý phun khử khuẩn kỹ càng trước khi đổ rác", chị Thu nói.

Theo anh Hoàng Chí Kiên, sống tại một chung cư ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội), hầu như tầng nào cũng có một vài căn hộ có F0 điều trị tại nhà nên việc xử lý rác thải sinh hoạt do các hộ gia đình chủ động. “Không rõ nhà khác xử lý như thế nào, còn nhà tôi thì để trong túi đen nhưng vẫn vứt vào họng rác chung”, anh Kiên nói.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam đã đến giai đoạn là 'bệnh lưu hành'?

Buộc vào các túi nilon riêng, phun khử khuẩn

Theo T.S Nguyễn Thanh Hà, Phó cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, việc cho phép điều trị F0 tại nhà làm phát sinh lượng lớn rác thải y tế, rác thải sinh hoạt do bệnh nhân mắc Covid-19 và người chăm sóc tăng cao. Ở một số nơi xa, xe rác không thể vào thu gom, lượng rác này tồn đọng, không được thu gom, xử lý đúng quy định. Để khắc phục, các địa phương cần nhanh chóng, rà soát phương án thu gom, xử lý chất thải.

Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế cho biết thêm, Bộ Y tế cùng Bộ TN-MT có nhiều văn bản hướng dẫn việc thu gom, xử lý rác thải cho các hộ gia đình có người mắc Covid-19 cách ly, điều trị tại nhà.

Gia đình có bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà cần khử khuẩn, phân loại rác thải trước khi đổ rác để hạn chế nguy cơ lân lan dịch bệnh

lê quân

Rác thải từ các F0 hay của người chăm sóc đều được coi là rác thải có nguy cơ lây nhiễm, được xử lý theo dạng chất thải nguy hại. Từ đó, Bộ Y tế cũng thống nhất tất cả rác thải của các gia đình có F0 điều trị tại nhà cần phải buộc vào các túi nilon riêng. Rác thải sau đó phải được phun khử khuẩn và mang ra điểm tập kết để người thu gom, làm vệ sinh môi trường vận chuyển, bàn giao đến các đơn vị xử lý rác thải có giải pháp xử lý an toàn, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Còn theo ông Nguyễn Thành Lam, chuyên viên chính Vụ quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cơ quan này cũng phối hợp với Bộ Y tế và các đơn liên quan ban hành nhiều văn bản thường xuyên cập nhật về địa phương, trao đổi với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại.

Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, Nghị định 08, Thông tư 02, Bộ TN-MT đã chú trọng đến vấn đề chất thải y tế lây nhiễm, trong đó có đề nghị UBND các tỉnh điều chỉnh kế hoạch thu gom cho phù hợp tình hình của từng địa phương. Việc cách ly, điều trị F0 tại nhà mang lại một số tín hiệu tích cực, nhưng một bất cập đang đặt ra là vấn đề thu gom và xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà.

Bãi rác Nam Sơn là một trong những điểm cuối xử lý rác thải sinh hoạt của TP.Hà Nội đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh khi số lượng F0 điều trị tại nhà gia tăng

lê quân

Bộ TN-MT cũng đã có chuẩn bị các đề xuất phương án để hỗ trợ chi phí cho bên xử lý rác thải. Điều này do Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ. Bộ cũng đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực cho các địa phương, đã rà soát cập nhật và bổ sung kinh phí.

Ông Lam cho biết thêm, trong luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã có những quy định phân loại rác, tuỳ từng điều kiện có thể phân loại ra các loại rác khác nhau, về vấn đề này UBND các tỉnh cần chủ động dưới sự chỉ đạo của bộ TN-MT và Bộ Y tế để linh hoạt xử lý, không bị động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.