Điều đó cùng với lý do "địa hình, địa thế hiểm trở nên việc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng phải rút kinh nghiệm chung" được bà Châu dùng để phân trần cho sự tồn tại suốt nhiều năm của "tổ hợp" tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh ở địa phận bà quản lý.
Thực tế thì sao?
"Địa hình, địa thế hiểm trở" mà bà Châu lý giải thì thực tế lại là nơi mà ngày ngày, những chiếc xe tải lớn, xe bồn "khủng" vẫn đều đều chạy vào các cơ sở của "tổ hợp" trên để đưa nhớt thải, hóa chất đến và chở dầu nhớt thải tái chế đi. Vậy địa hình, địa thế có phải "hiểm trở" như bà nói hay không?
Thực tế nữa mà PV Thanh Niên ghi nhận ở thực địa là diện tích của mỗi cơ sở trong "tổ hợp" trên lên đến hàng ngàn mét vuông; và từ khoảng cách chừng 500 m mà mùi hôi khí đốt, mùi dầu nhớt xộc vào mũi, đã thấy những ống nhả khói đen mịt mù cả một vùng. Xung quanh các cơ sở tái chế lậu, những con suối bốc mùi dầu nhớt nồng nặc, màu nước đen ngòm và váng dầu nổi lênh láng. Người dân vùng lân cận phải thường xuyên đóng im ỉm cửa suốt cả ngày, hạn chế trẻ em ra đường để tránh khói, mùi hôi, bệnh đường hô hấp…
Xã có chính quyền, có các lực lượng công an, dân quân… Với một "tổ hợp" gây ô nhiễm như thế, người dân "chịu không thấu" nhiều năm, cho biết đã phản ánh nhiều lần với chính quyền nhưng không hiệu quả, phải "kêu cứu" tới báo chí. Dù "có tật giật mình", các cơ sở tái chế dầu lậu giăng "thiên la địa võng" tầng tầng lớp lớp cảnh giới, thậm chí cả gan làm cổng "khu quân sự, cấm vào", nhưng không phải không thể tiếp cận, bóc trần, mà bằng chứng là loạt điều tra Bóc trần "tổ hợp" tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh Báo Thanh Niên vừa đăng tải. Vậy thì lý do địa bàn rộng, hiểm trở, đối tượng hoạt động tinh vi khó xử lý… liệu có thuyết phục được công luận, người dân về việc để các cơ sở hoạt động nhức nhối nhiều năm liền? Và liệu có hay không sự vô cảm hoặc bao che?
Phản hồi loạt điều tra trên Thanh Niên, rất nhiều bạn đọc nói thẳng chính quyền địa phương trong vụ việc này đã rất thiếu trách nhiệm, khi người dân nhiều lần phản ánh bức xúc nhưng đã không giải quyết "nguồn cơn" đến nơi đến chốn. Thậm chí, kể cả khi người dân không phản ánh, thì với chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm quản lý địa bàn, chính quyền cũng phải tổ chức xử lý đến nơi đến chốn những "mầm họa" gây ô nhiễm, chứ không phải "có nắm", "có biết" nhưng rồi cứ để tồn tại, thậm chí khi công luận lên tiếng thì việc kiểm tra, xử lý bước đầu cũng rất nhiều dấu hiệu bất thường. Bởi thế, không chỉ cho rằng thiếu trách nhiệm, bạn đọc đòi hỏi phải làm rõ có hay không sự bao che của cá nhân, tổ chức nào đó để tồn tại cả "tổ hợp" gây ô nhiễm nhiều năm như vậy.
Yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý, xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm, là chính đáng và chắc chắn sẽ được tiến hành, như chính cam kết của bà Chủ tịch UBND H.Trảng Bom "Phải rà soát lại trách nhiệm của địa phương, xem anh em quản lý như thế nào. Trường hợp sai thì phải xử lý" và "nếu có tiêu cực thì xử lý nghiêm, chứ không bao che". Song, với những diễn biến thực tế mà Thanh Niên bóc trần, và cả cách "phân trần" của lãnh đạo huyện, liệu sẽ có một kết quả nghiêm minh hay cũng chỉ là "rút kinh nghiệm chung"?
Người dân đang chờ, xử lý ra sao để họ còn niềm tin vào chính quyền thực sự nghiêm minh, vì dân.
Bình luận (0)