Xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em: Đừng vô cảm trước nỗi đau của người dân

20/04/2019 07:30 GMT+7

Không thể nói không có chứng cứ nên phải phạt 200.000 đồng cho hành vi cưỡng hôn trong thang máy. Nói thế là vô cảm trước nỗi đau của người dân

[VIDEO] Vụ dâm ô bé gái trong thang máy: Cư dân Galaxy yêu cầu xử lý nghiêm thủ phạm
Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, hạn chế trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua bên cạnh những vướng mắc trong quy định, hướng dẫn pháp luật có một nguyên nhân lớn là do tổ chức thực hiện và nhận thức pháp luật của cơ quan chức năng.
Dư luận bức xúc trước các vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng chậm được xử lý
Dư luận bức xúc trước các vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng chậm được xử lý
Trình bày tổng hợp báo cáo của 11 bộ, ngành về kết quả thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội (QH) trong công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) tại phiên giải trình sáng 19.4, bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực UBTP QH, đã chỉ ra hàng loạt bất cập, vướng mắc trong công tác phòng chống XHTDTE thời gian qua. Từ việc thiếu các văn bản hướng dẫn quy định của luật; khoảng trống pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi XHTD, thiếu quy trình tố tụng, giám định đặc biệt... Hạn chế đáng lưu ý là trong nhận thức pháp luật và nghiệp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng.

“Hãy đặt mình vào vị trí bố mẹ của đối tượng bị xâm hại”

“Một số vụ gây bức xúc trong dư luận thời gian qua chủ yếu là do tổ chức thực hiện pháp luật, thậm chí còn có nguyên nhân do chưa quán triệt đầy đủ quy định mới của bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015”, bà Thủy nhận định. Dẫn chứng vụ hiếp dâm bé 9 tuổi tại H.Chương Mỹ (Hà Nội) hồi đầu tháng 3, bà Thủy cho biết, cử tri phản ánh với kết quả giám định pháp y như vậy nhưng cơ quan điều tra (CQĐT) và Viện KSND chỉ khởi tố tội dâm ô và sau này phải thay đổi quyết định khởi tố vụ án (hiếp dâm) là do chưa nắm vững quy định của BLHS. Hay vụ ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng, sàm sỡ bé gái trong thang máy ở chung cư tại Q.4 (TP.HCM), theo bà Thủy, cử tri, đại biểu QH cho rằng sự việc không phức tạp nhưng tới nay đã gần hết thời gian 20 ngày theo quy định, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra quyết định có khởi tố hay không là chậm.
Mỗi cán bộ tiến hành tố tụng hãy đặt mình vào vị trí bố mẹ của đối tượng bị xâm hại thì chúng ta nghĩ gì. Không thể nói không có chứng cứ nên phải phạt 200.000 đồng cho hành vi cưỡng hôn trong thang máy. Nói thế là vô cảm trước nỗi đau của người dân
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Nhiều ý kiến tại phiên giải trình cũng cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do các cơ quan thực thi pháp luật. Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH, cho rằng: “Việc xử lý trong thời gian vừa qua vừa chậm vừa thiếu thuyết phục. Vụ đổi 100 USD thì tịch thu cả 100 USD và phạt thêm 90 triệu đồng, trong khi hành vi xâm hại người khác, cưỡng hôn phụ nữ trong thang máy thì phạt 200.000 đồng”.
Gay gắt hơn, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó chủ nhiệm UBTP QH, nhận định “việc áp dụng pháp luật có vấn đề”. “Mỗi cán bộ tiến hành tố tụng hãy đặt mình vào vị trí bố mẹ của đối tượng bị xâm hại thì chúng ta nghĩ gì. Không thể nói không có chứng cứ nên phải phạt 200.000 đồng cho hành vi cưỡng hôn trong thang máy. Nói thế là vô cảm trước nỗi đau của người dân”, ông Quyền nói và cho rằng, rõ ràng dư luận bức xúc trong một số vụ việc vừa qua là sự bức xúc đối với sự không nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

Không thể hô hào trách nhiệm chung chung

Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, đối với những vụ việc không thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh thì cần phải xử lý nghiêm khắc. Dẫn chứng vụ bé 9 tuổi bị hiếp dâm ở H.Chương Mỹ, ông Quyền phân tích ban đầu có thể khởi tố tội danh nhẹ hơn để điều tra, thu thập chứng cứ; nhưng sau khi đã kết luận điều tra mà vẫn giữ tội danh dâm ô và cho tại ngoại thì đó là vấn đề nhận thức pháp luật. “Pháp luật không cho phép làm như vậy”, ông Quyền nói và đề nghị các cơ quan tố tụng trong vụ việc nêu trên phải chịu trách nhiệm, không phải là trách nhiệm chung chung mà phải cách chức hoặc không bổ nhiệm lại.
Theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ án XHTDTE bị phát hiện có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2017 phát hiện 1.592 vụ, giảm 49 vụ so với năm trước. Năm 2018 phát hiện 1.547 vụ, giảm 45 vụ so với năm trước.
Trong khi đó, theo báo cáo của TAND tối cao thì từ ngày 1.10.2017 đến ngày 28.2.2019, TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm 2.719 vụ với 2.894 bị cáo phạm tội XHTD. Các tòa án đã xét xử, giải quyết 2.437 vụ với 2.577 bị cáo.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, người chủ trì phiên họp, cũng yêu cầu phải xử lý cán bộ liên quan chứ không rút kinh nghiệm chung chung.
Ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh, đề nghị UBTP giám sát việc thực hiện thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng về việc thực hiện các quy định trong luật Tố tụng hình sự.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, không chỉ cơ quan tố tụng mà các cơ quan quản lý khác từ Bộ Tư pháp, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ VH-TT-DL... đều có trách nhiệm.
“Chúng ta thực hiện các kiến nghị của UBTP rất chậm. Điều này liên quan tới trách nhiệm. Nhưng chúng ta cứ hay nói trách nhiệm chung chung. Tôi đề nghị UBTP phải chỉ rõ trách nhiệm từng bộ, ngành nêu trước QH chứ cứ nói trách nhiệm chung chung thì rất khó”, ông Quyền nêu.
Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cần có trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan chứ không thể hô hào phối hợp, vào cuộc, trách nhiệm chung chung nhưng không hiệu quả.

Quan trọng là phòng ngừa

Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng QH, nêu trong công tác bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại thì phòng ngừa là chính.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng nêu quan điểm “phòng là chính”.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng trong luật Trẻ em quy định rất rõ về trách nhiệm của các địa phương, người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ trẻ em. Do đó, nếu thực hiện đúng luật thì không diễn ra tình trạng như hôm nay.
Theo bà Hà, để làm tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, cần làm rõ trách nhiệm của địa phương và người đứng đầu các cấp cũng như làm tốt công tác phòng ngừa, nhất là từ trong nhà trường, gia đình.
 
Vụ ông Nguyễn Hữu Linh đang được điều tra theo đúng quy định
Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết đến nay Công an Q.4 (TP.HCM) đang tiếp tục điều tra vụ ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng, có hành vi sàm sỡ, ôm hôn bé gái ở Q.4. “Quy trình giải quyết thực hiện theo quy định giải quyết tin báo tố giác tội phạm với nội dung tố giác tội dâm ô người dưới 16 tuổi đang được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, ông Vương nói. Còn vấn đề khởi tố thế nào, ông Vương nói chưa nhận được báo cáo cụ thể.
Theo báo cáo của UBTP tại phiên họp thì cử tri, báo chí và một số ĐBQH phản ánh, vụ việc xảy ra từ 2.4, có camera ghi lại hình ảnh, nhưng đến ngày 19.4 vẫn chưa có quyết định của CQĐT là chậm vì BLHS quy định trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, CQĐT phải ra 1 trong 3 quyết định: quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án; quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo. “Đây có phải vụ việc rất phức tạp để kéo dài thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm không?”, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga chất vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.