TIẾP NHẬN NHANH, XỬ LÝ NHANH
Hiện TP.Hà Nội đang triển khai nhiều mô hình tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân thông qua mạng xã hội, các ứng dụng đối với nhiều lĩnh vực, từ tin báo tố giác tội phạm, tin báo về an ninh, trật tự, an toàn giao thông hay vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng. Theo đó, Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội đã xây dựng kênh tiếp nhận thông tin trên Facebook qua Fanpage "Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội". Sở GTVT, Ban chỉ đạo 197, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng 31 kênh tuyên truyền qua Facebook hoặc Zalo. Trong 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận 209 phản ánh của người dân, trong đó giải quyết dứt điểm 180 phản ánh.
Nói về kênh tiếp nhận thông tin này, trung tá Nguyễn Quang Chung, Trưởng công an P.Mỹ Đình 2 (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho hay mô hình dùng mạng xã hội để tiếp nhận tin phản ánh tình hình an ninh, trật tự cũng như tố giác tội phạm đã mang lại nhiều hiệu quả và đang tiếp tục được địa phương đẩy mạnh triển khai. Theo trung tá Chung cho hay Công an P.Mỹ Đình 2 đã lập những nhóm chung để chính quyền, công an và người dân cùng tham gia trên 2 nền tảng mạng xã hội là Zalo và Facebook. Khi người dân có bức xúc, có vấn đề cần phản ánh, tố giác thì nhắn ngay trong nhóm và sẽ có cán bộ tiếp nhận, giải quyết. Đến nay, có hơn 50% hộ dân trên địa bàn P.Mỹ Đình 2 tham gia các nhóm mạng xã hội và hằng ngày phản ánh, gửi hình ảnh về các hành vi vi phạm, chủ yếu là thông tin về trật tự đô thị.
Trung tá Chung cho biết thêm bản thân ông là người trực tiếp điều hành và cùng các cán bộ phường tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh. Khi người dân chụp ảnh gửi lên nhóm, ông sẽ chỉ đạo xác minh, giải quyết ngay từ xa, từ sớm và phản hồi lại cho người dân để tránh bức xúc, cũng như giữ gìn trật tự, an toàn trên địa bàn.
"Mô hình này rất hiệu quả, tiếp nhận nhanh hơn, xử lý nhanh hơn, không cần chờ đơn thư của người dân hay khi họp tại UBND phường thì mới nhận phản ánh. Chúng tôi phấn đấu sắp tới phải có khoảng 90% các hộ dân tham gia, và cho dán mã QR tại các khu dân cư, chung cư… để người dân quét mã và tham gia cùng phản ánh, bảo vệ an ninh tổ quốc", trung tá Chung nói.
"RẤT CẦN CÓ THÊM SỰ GIÁM SÁT TRONG CỘNG ĐỒNG"
Mới đây, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an TP.Hà Nội cũng triển khai tiếp nhận thông tin phản ánh hành vi vi phạm qua trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội" và đường dây nóng 02439424451.
Sau 7 ngày triển khai, PC08, Công an TP.Hà Nội đã tiếp nhận hàng trăm thông tin phản ánh, qua đó xác minh, xử lý hàng chục trường hợp vi phạm từ hình ảnh người dân cung cấp. Vi phạm được người dân phản ánh tập trung tại đường Vành đai 3 trên cao, cầu Vĩnh Tuy và một số điểm giao thông phức tạp khác. Theo quy định, người cung cấp thông tin sẽ được đảm bảo bí mật tuyệt đối.
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết mô hình này nằm trong Kế hoạch số 145 của UBND TP.Hà Nội về việc xây dựng và phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP.
Theo thiếu tướng Ky, PC08, Công an TP.Hà Nội đã đưa ra các dấu hiệu vi phạm để người dân nhận biết, ghi hình, phản ánh gửi lực lượng chức năng xác minh, xử lý ngay. Về mặt quy trình, thông tin phản ánh sẽ được chuyển tới các địa bàn để xác minh, xử lý kịp thời. Trong trường hợp hành vi vi phạm đang diễn ra, lực lượng chức năng ở phạm vi gần nhất, thuận tiện nhất sẽ được điều động tới hiện trường để ngăn chặn, kiểm tra và xử lý ngay tại chỗ. Đối với trường hợp người dân phản ánh hành vi vi phạm đã diễn ra, đã vi phạm xong thì lực lượng chức năng sẽ tiến hành thêm khâu xác minh để có căn cứ xác thực tiến hành xử lý vi phạm. Tuy nhiên, thiếu tướng Ky cũng lưu ý về chất lượng cung cấp thông tin, hình ảnh của người dân vì có nhiều trường hợp gửi hình ảnh bị mờ, không rõ địa điểm, hành vi vi phạm.
Thiếu tướng Ky đánh giá việc người dân tố giác hành vi vi phạm giao thông có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành luật Giao thông đường bộ, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.
"Tôi tin tưởng mô hình này sẽ thành công vì đã có cơ sở thực tiễn, giờ nâng cấp lên, phát động thành phong trào toàn dân. Ngoài sự giám sát của cơ quan chức năng về phản ánh an ninh, trật tự, an toàn giao thông… thì rất cần có thêm sự giám sát trong cộng đồng", thiếu tướng Ky bày tỏ.
Người dân tin cậy gửi thông tin phản ánh
Tại Đà Nẵng, đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã tiên phong trong việc sử dụng mạng xã hội để tương tác với công dân.
Từ năm 2018, đơn vị lập kênh Facebook "Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng", đến nay đã thu hút hơn 51.500 thành viên tham gia. Sau khi Cục CSGT, Bộ Công an chỉ đạo được sử dụng những chứng cứ người dân cung cấp làm cơ sở tham khảo xử lý vi phạm giao thông, kênh Facebook này càng được người dân quan tâm, phát huy tinh thần trách nhiệm của người dân phản ánh những điều chưa đúng trên đường phố.
"Hầu như ngày nào cán bộ theo dõi Facebook cũng tiếp nhận, phân loại, chuyển, giải quyết thông tin vi phạm, công khai kết quả xử lý. Do đó, người dân tin tưởng rằng tiếng nói, phản ánh của họ được tôn trọng, dần dần nâng cao ý thức chấp hành giao thông kể cả ở những khu vực không có camera giám sát, nhân rộng các tấm gương văn hóa, văn minh giao thông", đại tá Phan Ngọc Truyền nói.
Thượng tá Phan Văn Thương, Trưởng phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an TP.Đà Nẵng, cho hay phòng đang quản lý nhiều kênh mạng xã hội Facebook, YouTube về an ninh trật tự, được người dân tin tưởng phản ánh các vấn đề an ninh trật tự thuộc mọi lĩnh vực của đời sống nhờ tính thân thiện, tương tác cao, giải quyết nhanh chóng. "Không chỉ người dân, mà cán bộ cũng đóng góp rất nhiều ý kiến trong công tác toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các kênh này. Mạng xã hội thật sự được sử dụng hiệu quả trong việc tiếp nhận, tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân", thượng tá Phan Văn Thương nhìn nhận.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)