Xử nặng các ‘cuộc gọi rác’

Trong khi ở VN các doanh nghiệp cứ “vô tư” khủng bố điện thoại tới người dùng thì ở nhiều nước, "cuộc gọi rác” sẽ bị phạt hàng tỉ đồng, thậm chí có thể phạt đến phá sản công ty.

Phạt tiền tỉ tới phá sản công ty
Sau loạt bài Đau đầu vì cuộc gọi rác và Xâm phạm đời tư trên Thanh Niên trong hai ngày 23 và 24.12.2016, nhiều bạn đọc đã bày tỏ nỗi bức xúc vì những cuộc gọi "từ trên trời rơi xuống" này. Ông Trịnh Minh Thảo, một chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng, tác giả cuốn sách Đừng cố gắng bán, hãy giúp khách hàng mua thừa nhận những "cuộc gọi rác” trong thời gian qua đi quá giới hạn chịu đựng của người tiêu dùng (NTD) và gây ra ác cảm đối với DN. Thế nhưng trong khi VN vẫn loay hoay chưa biết làm sao quản lý thì các nước đã đưa vào luật với chế tài rất nghiêm khắc để bảo vệ quyền lợi NTD.

 

Việc chế tài nghiêm khắc cho thấy các công ty trước khi sử dụng dịch vụ gọi điện thoại bán hàng bên ngoài cũng phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định bảo vệ người tiêu dùng
Ông Trịnh Minh Thảo, một chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng

Theo đó, các nước đã xây dựng một Danh sách không được gọi - “Do not call list”. Đây là danh sách do hiệp hội bảo vệ NTD xây dựng, trong đó NTD đăng ký số điện thoại của mình với mục đích không chấp nhận tin nhắn/cuộc gọi bán hàng hay cuộc gọi tiếp thị. Sau 31 ngày kể từ ngày NTD đăng ký, hiệp hội sẽ bắt đầu chế tài. Các công ty phải có trách nhiệm kiểm tra danh sách này trước khi gọi điện bán hàng. Nhờ có danh sách này, những cuộc gọi bán hàng giảm đáng kể.
Chặt chẽ hơn, các hiệp hội đưa ra khung giờ và thời điểm được gọi. Chẳng hạn, Ủy ban Cạnh tranh và tiêu dùng Úc quy định không được gọi tiếp thị vào ngày chủ nhật và ngày lễ, không được gọi trước 9 giờ sáng hay sau 8 giờ tối vào các ngày trong tuần, không được gọi trước 9 giờ sáng hay sau 5 giờ chiều vào thứ bảy. Đồng thời, tất cả các cuộc gọi bán hàng này đều phải hiện số để người tiêu dùng nhận biết. Vì có quy định cụ thể nên khi các công ty vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
Cụ thể như ở Mỹ sẽ bị phạt 40.000 USD cho một cuộc gọi vi phạm; ở Anh sẽ bị phạt đến 5.000 bảng Anh; ở Úc tùy theo mức độ nghiêm trọng, có thể phạt đến phá sản công ty. Chẳng hạn vào tháng 6.2016, Cơ quan Quản lý thông tin và truyền thông của Úc (ACMA) thông báo Công ty du lịch Gateway Escape đã bị Tòa án liên bang phạt tổng cộng 325.000 USD, trong đó phạt 150.000 USD cho 5.293 cuộc gọi qua điện thoại trong danh sách “Do not call list”; phạt hơn 150.000 USD vì đã thực hiện những cuộc gọi tiếp thị qua điện thoại trong khoảng thời gian từ tháng 7.2013 đến tháng 18.3.2014 mà không hiện số của người gọi, giám đốc của hãng cũng bị phạt 12.500 USD cho những vi phạm này. Cũng theo ACMA, tháng 8.2016, công ty bán thức ăn nhanh Easymeals by Flavour Makers Pty Ltd cũng bị phạt tổng cộng 13.600 USD vì gọi điện thoại đến những số trong danh sách “Do not call list” và gọi ngoài khung giờ quy định. “Việc chế tài nghiêm khắc cho thấy các công ty trước khi sử dụng dịch vụ gọi điện thoại bán hàng bên ngoài cũng phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định bảo vệ NTD”, ông Thảo nói.

tin liên quan

Đau đầu vì 'cuộc gọi rác'
Những “cuộc gọi rác” nhằm chào mời sản phẩm dịch vụ không chỉ làm phiền mà thậm chí còn gây hoang mang cho nhiều người do thông tin cá nhân bị tiết lộ.
Cần xây dựng quy định cụ thể
Theo chuyên gia Trịnh Minh Thảo, VN chưa có những quy định cụ thể dẫn đến việc lạm dụng gây phiền toái cho khách hàng. Ví dụ, gọi quá sớm hay quá trễ phạm vào những giờ riêng tư sinh hoạt gia đình; tần suất gọi quá thường xuyên. Trong khi đó, một số nước còn đưa ra những quy định khá chi tiết hơn về phía DN. Chẳng hạn nếu NTD đã mua hàng của một DN thì DN đó được quyền gọi lại khách hàng trong vòng 18 tháng tiếp theo. Nếu một người gọi đến DN hỏi về sản phẩm/truy cập website của DN, thì DN được quyền liên lạc lại người này trong vòng 3 tháng, trừ khi khách hàng thông báo không muốn nhận tin nhắn hay nghe thông tin từ DN.
Các doanh nghiệp thường đổ thừa và ngụy biện rằng do các công ty làm dịch vụ telesales bên ngoài thực hiện sai (ảnh có tính chất minh họa) Ảnh: Shutterstock

Ông Trịnh Minh Thảo đề xuất: Hiệp hội Bảo vệ NTD có thể đứng ra thành lập danh sách “Do not call list” tương tự như ở các nước và thu phí từ những công ty bán hàng. Chi phí này dành để xây dựng website, duy trì hoạt động, tiếp nhận phàn nàn từ NTD. Đồng thời, hiệp hội đại diện NTD khởi kiện công ty bán hàng ra tòa nếu có vi phạm. Danh sách này tương tự như trung tâm thông tin tín dụng của hệ thống ngân hàng. Khi ngân hàng nào muốn biết lịch sử tín dụng tốt xấu của người vay thì vào dữ liệu kiểm tra.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cho rằng VN chưa có quy định rõ ràng về hành vi quấy rối thông qua “cuộc gọi rác”. Trong khi đó, những quy định khác thì khá chung chung nên rất khó để xử phạt hay khởi kiện. Như luật Bảo vệ quyền lợi NTD có nêu hành vi tiếp thị các dịch vụ, sản phẩm trái với ý muốn của NTD, gây cản trở, ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của NTD là hành vi quấy rối bị nghiêm cấm. Nếu DN vi phạm NTD có thể khởi kiện. Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: Ở VN nếu muốn khởi kiện thì phải chứng minh thiệt hại. Điều này rất khó vì đôi khi NTD không biết cách lưu giữ và chứng minh bằng chứng bị quấy rối. Trong khi ở các nước, đối với những tội danh quấy rối tương tự thì không yêu cầu phải chứng minh thiệt hại. Vì vậy, rất cần bổ sung thêm các quy định chi tiết hơn và phù hợp hơn để bảo vệ NTD, ngăn chặn những hành vi quấy rối kiểu “cuộc gọi rác” đang diễn ra tràn lan hiện nay.
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, trong khi chờ hoàn thiện khung pháp lý, bản thân NTD cần lên tiếng cung cấp danh sách số điện thoại gọi quấy rối sau nhiều lần bị làm phiền cho các nhà mạng viễn thông. Từ đó, yêu cầu các nhà mạng phối hợp để ngăn chặn và khóa dịch vụ với các số thuê bao đã quấy rối người khác. Sau đó, nhà mạng cần thông báo kết quả thực hiện với khách hàng. “Việc giải quyết sim ảo để chặn tin nhắn và cuộc gọi rác như hiện nay đang thực hiện hy vọng sẽ làm giảm bớt vấn nạn này. Nếu các nhà mạng và NTD cùng bắt tay hợp tác thì tôi nghĩ cũng sẽ tiếp tục ngăn chặn được phần lớn những số điện thoại hay quấy nhiễu người khác. Đồng thời sau đó nếu nhà mạng thông báo danh sách cho cơ quan quản lý nhà nước như Sở Thông tin - Truyền thông để xem xét, xử phạt hành chính theo một số quy định về xâm phạm quyền lợi riêng tư của cá nhân... thì từ đó các DN sẽ bớt hành vi quấy nhiễu hơn”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Bỏ lọt hành vi quấy rối qua điện thoại
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, nhận định VN đã có nhiều quy định về xử phạt các nhà mạng; phạt các công ty cung cấp nội dung trên internet hay cung cấp nội dung trên mạng viễn thông không đúng quy định; xử phạt các công ty hay cá nhân đang spam (gửi cho người khác nội dung giống nhau nhiều lần, gây phiền toái cho người nhận) qua mail, qua tin nhắn hay Facebook... nhưng lại chưa có các quy định cụ thể về việc spam qua điện thoại. Do vậy chưa hề có DN nào bị xử phạt vì tội thực hiện "cuộc gọi rác”. Hơn nữa hầu như khi bị NTD phản ứng, các DN đổ thừa và ngụy biện rằng do đại lý thực hiện hoặc do các công ty làm dịch vụ telesales bên ngoài thực hiện sai. Ngoài ra, Hội Bảo vệ NTD tại VN còn quá yếu, chưa phát huy được vai trò của cơ quan bảo vệ quyền lợi cho NTD trước những vấn đề vi phạm trên thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.