Xử phạt hành vi xả rác qua hình ảnh, video của người dân cung cấp

25/07/2022 12:31 GMT+7

Nghị định 45/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 25.8.2022, trong đó bổ sung một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường .

Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ có hiệu lực từ ngày 25.8.2022, trong đó, bổ sung quy định sử dụng hình ảnh, video do người dân cung cấp để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (trong đó có hành vi xả rác).

Kênh nước đen ngòm do rác bủa vây

B.N

Quy định này được thể hiện tại Điều 8 Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về sử dụng kết quả, dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Trong đó, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ.

Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật được so sánh với nồng độ tối đa cho phép của các thông số môi trường trong quy chuẩn kỹ thuật hiện hành để xác định hành vi vi phạm hành chính.

Quy trình tiếp nhận, xác minh và xử phạt hành chính

Hiện hành, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 135/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường gồm: Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, CSGT, Quản lý xuất nhập cảnh, Công an cấp xã; Quản lý thị trường; Kiểm lâm, Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Cá nhân, tổ chức có thể cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính qua hình thức: Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp; Thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng; Dịch vụ bưu chính hoặc kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Sau khi tiếp nhận dữ liệu từ cá nhân, tổ chức cung cấp, cơ quan, người có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh có hay không hành vi vi phạm hành chính; Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm hành chính; Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Tính chất, mức độ thiệt hại; Giấy tờ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...

Căn cứ dữ liệu tiếp nhận, thu thập và kết quả xác minh, người có thẩm quyền sẽ đưa ra kết luận nội dung vụ việc và xử phạt theo quy định.

Trường hợp trong và sau quá trình xác minh, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch thì người có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.