Xử phạt thích đáng

07/02/2020 04:40 GMT+7

Dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi mà Chính phủ vừa trình sang các cơ quan của Quốc hội đề xuất sẽ tăng mức tiền phạt tối đa trong 10 lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật Quốc hội ngay tại phiên họp thẩm tra sơ bộ ngày 5.2 đã không đồng tình các đề xuất này.
Về nguyên tắc, dễ đồng thuận rằng, việc tăng mức phạt trong hầu hết các lĩnh vực là hợp lý, nhất là khi các quy định về mức tiền phạt tối đa luật Xử lý vi phạm hành chính đã trải qua tới 7 năm thực hiện.
Bên cạnh đó, tác dụng răn đe của việc tăng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm là có thật và dễ nhận thấy. Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1.1.2020 với các mức phạt được tăng gấp đôi, gấp ba so với quy định cũ đã mang lại tác dụng tức thời, đặc biệt là đối với hành vi uống rượu bia khi lái xe mà chúng ta đã chứng kiến những ngày qua.
Song tính răn đe, giáo dục của xử phạt, nhất là vi phạm hành chính không chỉ nằm ở mức tiền phạt.
Khuya 4.3.2019, Đỗ Mạnh Hùng (31 tuổi, quê Hải Phòng) đã có hành vi chặn cửa, xúc phạm thân thể (dùng tay giữ má nạn nhân để cưỡng hôn) cô gái 20 tuổi trong thang máy một tòa chung cư tại Q.Thanh Xuân (Hà Nội). Sau khi sự việc được trình báo lên cơ quan chức năng, gần nửa tháng sau, ngày 18.3.2019, cơ quan chức năng quyết định xử phạt hành chính đối với Đỗ Mạnh Hùng 200.000 đồng về hành vi “vi phạm trật tự công cộng” theo điều 5 Nghị định 167.
Mức phạt đối với Đỗ Mạnh Hùng đã khiến dư luận “dậy sóng” vì cho rằng phạt 200.000 đồng là rất khiên cưỡng, kể cả với hành vi được xác định là “trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Rất nhiều người đã nói tới sự trớ trêu khi so sánh 200.000 đồng này với mức phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD ở một tiệm vàng tại TP.Cần Thơ.
Tuy nhiên, không chỉ là mức phạt, quan trọng hơn, hành vi của Hùng và trong nhiều vụ việc tương tự là hành vi có tính chất quấy rối tình dục, xâm hại thân thể người khác. Song cơ quan chức năng đều phải xử phạt các đối tượng về hành vi vi phạm trật tự công cộng nói chung. Lý do đơn giản là vì luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định hướng dẫn hiện hành không có quy định về hành vi xâm hại hay quấy rối tình dục.
Vì vậy, quan trọng hơn cả mức tiền phạt, việc xử phạt phải được thực hiện một cách thích đáng, nhất là nghiêm minh và không tùy tiện. Đó mới là biện pháp hữu hiệu nhất đảm bảo tính răn đe và giáo dục của việc xử phạt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.