Xe

Xử phạt vượt đèn vàng như đèn đỏ: Lái xe dừng lại hay vượt luôn?

02/08/2016 19:39 GMT+7

Theo nghị định 46/2016 (thay thế Nghị định 171/2013), việc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, kể cả việc vượt đèn vàng sẽ bị phạt tối đa 400.000 đồng đối với xe máy và 2 triệu đồng đối với ô tô.

Hôm nay, 2.8, là ngày thứ hai các lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt theo nghị định 46/2016.

Nhiều tranh cãi được dấy lên trước việc CSGT Hà Nội tiến hành xử lý người tham gia giao thông vượt đèn vàng. Theo đó, nghị định 46/2016 quy định việc không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông, kể cả việc vượt đèn vàng sẽ bị phạt tối đa 400.000 đồng đối với xe máy và 2 triệu đồng đối với ô tô; nặng hơn so với mức phạt cùng hành vi vi phạm trong nghị định 171/2013.

Theo Nghị định 171/2013 trước đây, quy định rất rõ về hành vi vượt đèn vàng như sau: 
Ở điểm C/khoản 4/Điều 6 quy định: Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng. Như vậy việc có thể hiểu khi đèn giao thông chuyển sang màu vàng mà người điều khiển xe chưa qua vạch dừng trước đèn tín hiệu mà vẫn chạy tiếp thì sẽ bị phạt do vượt đèn vàng/đỏ.

Đoạn phỏng vấn một số ý kiến người dân ở Sài Gòn dưới đây đưa ra những ý kiến của người dân về công năng của đèn vàng, cách xử lý khi gặp đèn vàng, mức phạt mới cũng như sự cần thiết của đèn vàng.

VIDEO: Người dân Sài Gòn nói về "đèn vàng" khi điều khiển xe

Nhiều người dân cho rằng đèn vàng cần thiết để thông báo sắp tới đèn đỏ, giúp người tham gia giao thông cẩn thận đi chậm lại để tránh va chạm với các phương tiện khác. Một ý kiến cho rằng đèn vàng bắt buộc các phương tiện phải dừng lại trước khi đèn tín hiệu nhảy sang màu đỏ.

Tuy nhiên, một số người dân lại không biết chính xác mục đích của đèn vàng cũng như cho rằng phải tăng tốc khi gặp đèn vàng.

Về cách xử lý khi gặp đèn vàng, ngoài ý kiến giảm tốc độ để vừa với thời gian đèn đỏ xuất hiện, cũng có người dân cho rằng nên đi luôn, chỉ khi gặp chướng ngại vật mới dừng lại. Tuy nhiên, có người lại hỏi ngược lại: “Đèn đỏ dừng, đèn vàng cũng bắt dừng trước vạch thì chỉ đèn xanh mới được đi sao?”.

Đèn vàng thường chỉ được bật lên trong thời gian ngắn Yến My

Mức phạt ở nghị định 46/2016 tăng nặng so với mức phạt cùng hành vi vi phạm ở nghị định 171/2013. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến  người được hỏi lại cho rằng mức phạt này không quá nặng. Thậm chí, có người đề nghị tăng mức phạt lên cao hơn vì phạt nặng sẽ giảm được vi phạm.

Có những ý kiến trên mạng xã hội cho rằng "nếu vượt đèn vàng cũng phạt như vượt đèn đỏ, thì sao không bỏ luôn đèn vàng đi". Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với người dân tại TP.HCM.

Đa số người được hỏi đều cho rằng, đèn giao thông 3 màu là theo chuẩn quốc tế không thể tự ý loại bỏ. Một người dân vui vẻ chia sẻ đèn màu gì đều sử dụng được, chỉ cần đèn đỏ thì buộc dừng tất cả còn lại được lưu thông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.