Xứ Quảng Nam xưa: Dưới thời chúa Nguyễn

09/07/2022 06:47 GMT+7

Đầu thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu, Mạc Đăng Dung soán ngôi, lập ra nhà Mạc (1527). Bồi thần nhà Lê là Nguyễn Kim tập hợp lực lượng chống nhà Mạc, lập triều Lê Trung hưng (1533 - 1788).

Mấy năm sau, Nguyễn Kim lấy đất Quảng Nam thừa tuyên từ tay họ Mạc. Năm 1545, tướng của Nguyễn Kim là Bùi Tá Hán (1446 - 1568), được giao nhiệm vụ trấn nhậm đất Quảng Nam, tổ chức khai khẩn, ổn định và phát triển miền biên trấn phía nam Tổ quốc.

Bùi Tá Hán là một vị tướng vừa giỏi cầm quân, vừa có tài kinh bang tế thế. Sau khi nhận sự ủy nhiệm của Nguyễn Kim, ông thực hiện nhiều chính sách thích hợp về điền địa, cư trú; khuyến khích nghề thủ công bên cạnh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển thủy lợi, mở mang đường sá; chăm lo giáo dục, cải cách phong tục theo hướng tiến bộ. Đặc biệt, Bùi Tá Hán rất chú trọng ổn định quan hệ Kinh - Thượng làm nền tảng chính sách an dân. Từ thời kỳ trấn nhậm của Bùi Tá Hán, đạo thừa tuyên Quảng Nam đi vào thế ổn định, kinh tế không ngừng phát triển, thu hút ngày càng nhiều di dân từ các vùng Hoan, Ái (Thanh Hóa, Nghệ An) vào lập nghiệp, sinh tụ lâu dài.

Phố cổ Hội An, từng một thời là thương cảng sầm uất và thịnh vượng bậc nhất ở Đàng Trong

LHK

Năm 1579, Trấn thủ Thuận Hóa là Đoan Quận công Nguyễn Hoàng (con trai Nguyễn Kim) được cử kiêm trấn Quảng Nam. Đất Thuận Quảng được củng cố để Nguyễn Hoàng gây dựng thế lực, dần dần tách khỏi sự ràng buộc của chúa Trịnh, lúc bấy giờ đã lấn át vua Lê, nắm hết thực quyền cai trị ở Đàng Ngoài.

Thực hiện chủ định này, năm 1602, Nguyễn Hoàng tiến hành cải tổ các đơn vị lãnh thổ - hành chính ở 2 trấn Thuận - Quảng; theo đó trấn Quảng Nam đổi thành dinh Quảng Nam, phủ Tư Nghĩa đổi thành phủ Quảng Nghĩa, phủ Hoài Nhơn đổi thành phủ Quy Nhơn cử hai chức quan là tuần phủ và khám lý đứng đầu.

Các danh xưng Quảng Nghĩa (Ngãi), Quy Nhơn xuất hiện lần đầu.

Cũng từ đây, Quảng Nam nhanh chóng trở thành một khu vực kinh tế phát triển nhờ những chính sách thích hợp của Nguyễn Hoàng, trở thành hậu phương vững chắc để các chúa Nguyễn đối phó với quân Lê - Trịnh trong suốt thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Từ sau khi dinh Quảng Nam được thành lập (bao gồm các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn), vùng đất thuộc dinh Quảng Nam tiếp tục phát triển trong một thời gian dài. Quảng Nam không còn là miền biên trấn vì các chúa Nguyễn đã mở rộng lãnh thổ quản lý của mình xa dần vào phía nam.

Miền đất Quảng Nam diễn ra một quá trình sôi động xen lẫn chuyển dịch và ổn định cư dân. Lớp cư dân đến từ trước dựng làng, lập ấp, ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Lớp người đến sau (gồm một số lớn là tù binh và dân Đàng Ngoài bị chúa Nguyễn bắt được đem về trong các cuộc tiến công ra phía bắc sông Gianh, một số khác là di dân tự do, đào tẩu...) khai phá những vùng đất còn hoang hóa, lập thêm làng ấp mới.

Ngoài ra còn có một bộ phận người Hoa (Minh Hương), từ Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam đến sinh sống và lập một số khu dân cư mua bán lâm thổ sản, làm một số nghề thủ công, mỹ nghệ mà họ mang từ cố hương đến, thu mua hàng xuất khẩu. Một bộ phận khác của cư dân Đàng Ngoài đến định cư từ trấn Thuận Hóa vào những giai đoạn trước, lúc này cũng có sự chuyển dịch vào vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Từ năm Mậu Tý (1648), sau khi có chỉ dụ của chúa Nguyễn, một bộ phận cư dân của vùng Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) lại tiếp tục được đưa vào Phú Yên, Bình Khang và xa hơn là vùng cực nam Trung bộ và Nam bộ ngày nay để định cư, mở đất.

Lúc bấy giờ Quảng Nam là vùng đất phồn thịnh nhờ vào sự phát triển nông nghiệp trên những cánh đồng tương đối rộng và có điều kiện khí hậu phần nào thuận lợi hơn vùng bắc Trung bộ. Tài nguyên rừng (sa nhân, cánh kiến, trầm hương, kỳ nam, gỗ quý...), tài nguyên biển (ngọc trai, đồi mồi, cá, mực...) được khai thác phục vụ xuất khẩu qua các cảng biển như Hội An (Quảng Nam), Thu Xà (Quảng Nghĩa). Các nghề tiểu thủ công nghiệp cũng khá phát đạt, gồm cả những nghề do cư dân Việt phía bắc mang theo trong quá trình di dân (dệt chiếu, đan nón, làm gốm, chế tác sừng...), nghề của người Chăm (đóng thuyền, đan lưới...) nghề của một bộ phận người Hoa Minh Hương đến định cư (buôn bán lâm thổ sản, làm kẹo gương…)

Thời gian này, Biển Đông và các hải đảo ven bờ, trong đó có đảo Lý Sơn (cù lao Ré, nay là huyện đảo Lý Sơn), xa hơn là Hoàng Sa, Trường Sa (Bắc Hải) cũng thu hút sự quan tâm của các chúa Nguyễn với việc hình thành các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để tuần phòng và khai thác hải sản. Lúc bấy giờ, Hoàng Sa thuộc quyền cai quản của phủ Quảng Nghĩa. Hàng năm chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, là các dân binh lấy từ ngư dân 2 xã An Hải và An Vĩnh thuộc H.Bình Sơn (nay An Hải thuộc H.Bình Sơn, An Vĩnh thuộc H.Sơn Tịnh) sau đó là An Hải phường và An Vĩnh phường (thuộc đảo Lý Sơn) đi thuyền đến Hoàng Sa để tuần phòng và khai thác đồi mồi, ba ba, hải sâm, san hô. Nhiều thư tịch Việt Nam, Trung Hoa và nhất là những ghi chép của các nhà hàng hải phương Tây còn để lại đã góp phần khẳng định: Từ lâu Hoàng Sa đã là một phần lãnh thổ Việt Nam. (còn tiếp)

Xứ Quảng Nam xưa

Ngũ Quảng có phải là Quảng Nam xưa?

Sự kiện lớn năm 1471

Những biến động lịch sử Việt - Chăm

Chiêm Động, Cổ Lũy Động - vùng đất đặc biệt

Cư dân Chăm trên đất Quảng Nam xưa

Cư dân Sa Huỳnh trên đất Quảng Nam xưa

Xứ Quảng Nam xưa ở đâu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.