Mấy năm sau, mượn chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ”, nhà Minh (Trung Quốc) xâm lăng Ðại Việt, người Chăm nhân cơ hội này giành lại đất Cổ Lũy, Chiêm Lũy, đánh phá Hóa Châu, gây khó khăn nghiêm trọng cho sự nghiệp phục quốc của nhà Hậu Trần và sau đó là nghĩa binh Lê Lợi. Năm 1427, Lê Lợi đuổi quân Minh ra khỏi cõi bờ Ðại Việt, giành lại quyền tự chủ, nhưng vùng đất Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và Ðiện Bàn thuộc Hóa Châu vẫn là nơi tranh giành dai dẳng giữa Chiêm Thành và Ðại Việt. Sử cũ gọi nơi này là đất “Cơ my” (hay Ky my) là vì vậy.
Tượng Gajasimha tìm thấy trong khu vực phế tích tháp Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), niên đại thế kỷ 11 |
Khoảng niên hiệu Hồng Ðức (nhà Lê), vua Chăm là Trà Tồn (Dư địa chí chép là Trà Hịa) lại mang quân đánh phá Hóa Châu. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Tháng 8, mùa thu. Chiêm Thành sang lấn cướp Hóa Châu. Trước đây, Bàn La Trà Duyệt, người ở Thi Nại thuộc Chiêm Thành, giết chúa Chiêm là Ma Ha Quý Do mà tự lập làm chúa, truyền đến em là Trà Toàn. Trà Toàn hung hãn, hoang dâm, bạo ngược, khinh thường mọi người, tự phụ là giỏi, không sửa lễ cống theo chức phận của mình, lại thường gây sự họa hoạn ở nơi biên cảnh; rồi sai sứ thần sang cầu viện với nhà Minh, thân hành đem hơn mười vạn quân thủy, quân bộ cùng voi ngựa đến đánh úp Hóa Châu. Viên tướng giữ Hóa Châu là Phạm Văn Hiển đánh nhau với quân Chiêm, không địch nổi, phải đóng cửa thành chống giữ, cho người phi ngựa đem văn thư cáo cấp về triều đình” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản dịch Viện Sử học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.521).
Năm 1471 (Hồng Ðức thứ 2), Lê Thánh Tông thân chinh đưa đại quân thu hồi đất Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, chiếm luôn kinh đô Chà Bàn (thuộc tỉnh Bình Ðịnh ngày nay). Chỉ trong vòng 10 ngày sau khi thu phục đất Chà Bàn, Lê Thánh Tông đã xếp đặt các quan lại người Chăm và người Việt vào bộ máy quản lý vùng đất mới thu hồi: Ba Thái, Đa Thủy (người Chăm), Đỗ Tử Quy, Lê Ỷ Đà (người Việt) cùng chịu trách nhiệm giữ vững ổn định vùng Chiêm Động và Cổ Lũy Động.
Đến tháng 6 năm 1471, triều đình nhà Lê đã cho thiết lập đạo thừa tuyên Quảng Nam, đạo thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt, bao gồm vùng đất phía nam đèo Hải Vân của Châu Hóa cùng 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa thời nhà Hồ và kinh đô Chà Bàn của vương quốc Chăm. Đạo thừa tuyên Quảng Nam thống lĩnh 3 phủ: Thăng Hoa (Quảng Nam - Đà Nẵng), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Hoài Nhân (Bình Định).
Giếng Chăm Xó La tại xã An Hải, H.Lý Sơn (Quảng Ngãi) |
L.H.K |
Trong 13 đạo thừa tuyên của nước Đại Việt, 12 đạo có chức Án sát đứng đầu, riêng đạo thừa tuyên Quảng Nam đặt 3 ty (tam ty) là Đô ty, Thừa ty và Hiến ty cai quản. Lỵ sở của tam ty đặt ở thành Châu Sa, vốn là một thành cổ của người Chăm, nay thuộc địa phận phía đông bắc TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Thực hiện chỉ dụ và được sự khuyến khích của triều đình, dân cư các vùng Sơn Nam Hạ, Thanh Hóa, Nghệ An đi vào vùng đất Nam - Ngãi - Bình cùng sống với người Chăm, cấy cày ở vùng đồng bằng, khai thác tài nguyên phong phú trên sông, dưới biển. Vùng đất thừa tuyên Quảng Nam từ đó vĩnh viễn trở thành một bộ phận lãnh thổ của quốc gia Đại Việt.
Vào năm 1988, người ta tìm thấy chiếc ấn (con dấu) do Ty Thượng Bảo đúc vào năm Hồng Đức thứ 2 (1471). Chiếc ấn bằng đồng có hình vuông mỗi cạnh dài chừng 10 cm, cán cao chừng 15 cm. Trên ấn có 3 dòng chữ còn đọc được, hai dòng bên phải ghi: “Quảng Nam Đẳng Xứ - Tán Trị Thừa Tuyên - Sứ Ty Chi Ấn” (tán trị: cùng cai trị/đẳng xứ: các xứ/thừa tuyên: chỉ thừa tuyên Quảng Nam/Tán trị thừa tuyên sứ ty chi ấn: Ấn của Quảng Nam đẳng xứ tán trị thừa tuyên). Dòng 2 bên phải ghi: “Thượng Bảo ty tạo” (do Ty Thượng Bảo chế tạo). Dòng 3 bên trái: “Hồng Đức nhị niên nguyệt nhật” (được làm vào năm Hồng Đức thứ hai). Chiếc ấn được tìm thấy ở thành Châu Sa - một ngôi thành cổ của người Chăm, nay thuộc xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi (hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM). Đây được xem là “con dấu” đầu tiên, thể hiện uy quyền của nhà nước Đại Việt trên vùng đất từ Hải Vân cho đến đèo Cù Mông.
(còn tiếp)
Bình luận (0)