Quá trình chiếm hữu ruộng đất của tầng lớp trên được hỗ trợ bằng các chính sách, chủ trương của nhà nước phong kiến mà trong đó, ngày càng nặng nề hơn, là sự nghiệt ngã của chính sách sưu dịch, thuế khóa. Bên cạnh đó, sự quản lý chặt chẽ của các chúa Nguyễn đối với việc khai thác các nguồn tài nguyên nhằm phục vụ xuất khẩu, mua sắm vũ khí và các mặt hàng xa xỉ khác đã làm cho tầng lớp thương nhân không thể hình thành, cho dù đã có một lực lượng khá đông đảo những người mua bán nhỏ lẻ, thu mua nông thổ sản, lâm sản, hải sản đã nhóm thành các “nậu” ở khắp vùng Quảng Nam lúc bấy giờ.
Mộ phần vợ chồng Đô đốc Tây Sơn Trương Đăng Đồ - nữ tướng Nguyễn Thị Dung (đôi vợ chồng tuẫn tiết khi nhà Tây Sơn sụp đổ, 1802) tại xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi |
LHK |
Bao trùm lên tất cả là mâu thuẫn giữa tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài và các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Những cuộc chiến tranh triền miên giữa 2 bờ sông Gianh, việc huy động một lực lượng lớn nhân tài, vật lực để đào hào, đắp lũy, mua sắm vũ khí, huy động tráng đinh bỏ ruộng vườn tham gia quân đội đã làm cho nền kinh tế Đàng Trong rơi vào khủng hoảng. Người dân vốn đã khổ cực vì sưu cao, thuế nặng, lại càng thêm nạn dịch bệnh, thiên tai, mất mùa ...
Cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) từ vùng rừng núi Tây Sơn thượng đạo, nổ ra vào năm 1771, và nhanh chóng trở thành một phong trào nông dân rộng lớn. Từ Quy Nhơn, Quảng Ngãi lan ra khắp đất Quảng Nam, rồi cả nước, cuốn đổ cả tập đoàn phong kiến của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh bại quân Thanh xâm lược ở phía bắc và quân Xiêm gây rối ở phía nam. Tên tuổi của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ gắn liền với những chiến công hiển hách, rạng ngời lịch sử dân tộc và đất nước VN.
Tây Sơn đã trở thành tên một triều đại, một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất trong lịch sử VN xuất phát từ tên của ấp Tây Sơn, được nhắc đến lần đầu trong sử sách qua sự kiện chúa Nguyễn Phúc Tần bắt binh dân ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An vào cư trú, lập ấp ở Tây Sơn Nhất vào giữa thế kỷ 17. Trong số cư dân của huyện Hưng Nguyên vào vùng đất mới có tổ của 4 đời anh em Tây Sơn. Tháng 9 năm 1819, nhà Nguyễn cho đổi địa danh Tây Sơn thành An Tây, rồi An Sơn, sau đó lại chia ấp này thành 2 ấp: An Khê (tương đương với Tây Sơn Nhất) và Cửu An (Tây Sơn Nhì) thuộc H.Tuy Viễn, tỉnh Bình Định.
Có thể nói, Bình Định và tiếp đó Quảng Ngãi, Quảng Nam là nơi đã cung cấp lực lượng nòng cốt và hậu cần vững mạnh cho phong trào nông dân Tây Sơn. Nhiều tướng lĩnh Tây Sơn là người Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, như Vũ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Lộc, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Văn Xuân, Trương Đăng Đồ, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Đức Lễ…
Sau khi làm chủ địa bàn Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhà Tây Sơn đã áp dụng nhiều chính sách kịp thời, tích cực nhằm ổn định tình hình xã hội vốn nhiều rối ren, bất ổn sau các cuộc chiến tranh nội bộ; thực thi nhiều biện pháp để khôi phục sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hoạt động thương mại - ngoại thương; thu phục người hiền tài ra giúp nước, phát triển giáo dục, chấn chỉnh thuế khóa, tôn giáo, khuyến khích sử dụng chữ Nôm... Nhà Tây Sơn cũng chú ý đến việc tuần phòng và khai thác các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bằng chứng là vào năm Thái Đức thứ 9 (1786), ông Võ Văn Khiết người cù lao Ré (nay thuộc huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã được bổ chức Cai đội Hoàng Sa, tước Hội Nghĩa hầu, làm nhiệm vụ tuyển binh phu cho đội Hoàng Sa và Quế Hải, đốc suất 4 chiếc thuyền cùng binh phu ra đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ tuần phòng và tìm kiếm hải vật, hóa vật.
Thời gian tồn tại ngắn ngủi, cộng thêm chính sách khắc nghiệt của nhà Nguyễn đã xóa đi hầu hết những tư liệu, ghi chép về thành tựu của nhà Tây Sơn đối với cả nước nói chung, vùng Quảng Nam xưa nói riêng; song, nhiều giai thoại truyền thuyết lưu truyền trong dân chúng, một số sắc phong, bi ký, gia phả còn sót lại mà gần đây tìm được, đã cho thấy sự gắn bó sâu sắc của phong trào nông dân Tây Sơn với vùng đất Quảng Nam xưa.
Một đoạn trong bài hịch của vua Quang Trung, phủ dụ quan lại, tướng sĩ và thần dân hai phủ Quảng Ngãi - Quy Nhơn sau đây, cho thấy vai trò của đất Quảng Nam xưa đối với nhà Tây Sơn cũng như ảnh hưởng của nhà Tây Sơn trên vùng đất này:
“…Các ngươi bất kể già trẻ lớn bé, hai mươi năm nay sống dưới sự bảo hộ và ân huệ của hai anh em ta (chỉ Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ). Và cũng chính nhờ lòng trung thành và tận tụy của các ngươi đã giúp chúng ta chiến thắng trên chiến trường trong Nam ngoài Bắc. Chính ở hai vùng đất này, ta đã tìm được những con người can đảm và giỏi giang để lập nên triều đại.” (Hịch này không còn bản Hán văn, chỉ còn bản dịch tiếng Pháp, được in trong Ký sự Bissachère (t.173-176) do Maybon biên soạn, Paris, 1920 và in trong phần Phụ lục tác phẩm của Montyon (Montyon II, t.138-140), London, 1811).
Rất tiếc là, từ sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời (1792) nhà Tây Sơn nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, dẫn đến sự suy yếu nhanh chóng và bị Nguyễn Ánh đánh bại vào năm 1801. (còn tiếp)
Bình luận (0)