Xứ sở cây thuốc quý: Bất ngờ ba kích

19/05/2015 10:16 GMT+7

Trong khi các chuyên gia ngành y tế xác định cây ba kích (Morinda officinalis) chỉ phân bố từ Thanh Hóa trở ra, thì trong một đợt khảo sát tình cờ cách đây 12 năm, nguồn dược liệu quý hiếm này lại được tìm thấy ở Tây Giang (Quảng Nam).

Trong khi các chuyên gia ngành y tế xác định cây ba kích (Morinda officinalis) chỉ phân bố từ Thanh Hóa trở ra, thì trong một đợt khảo sát tình cờ cách đây 12 năm, nguồn dược liệu quý hiếm này lại được tìm thấy ở Tây Giang (Quảng Nam).

Vườn ươm giống ba kích ở Tây Giang - Ảnh: C.T.V
“Cây của trời”
“Bác Bh’riu Pố chính là người dẫn đường cho chuyên gia đi khảo sát và tình cờ tìm thấy cây ba kích hồi năm 2003, cũng là người đầu tiên trồng ba kích ở Tây Giang”, ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, nhớ lại.
Cây ba kích đầu tiên lộ diện từ một hốc núi ở xã Lăng, đúng vào dịp Bh’riu Pố tham gia chuyến khảo sát thực tế tìm kiếm các cây thuốc nam của một tiến sĩ ngành dược ở Hà Nội. Lúc đó, vị chuyên gia quả quyết “cây lạ” kia chính là ba kích tím. Phát hiện này làm đảo lộn mọi thông tin trước đó về vùng phân bố của cây ba kích. Chính đồng bào C’tu ở vùng trung, vùng thấp Tây Giang cũng không hề hay biết bao đời nay có loài cây quý như thế mọc hoang trong rừng… Riêng ông Pố - một trí thức uy tín của đồng bào C’tu - cũng phải mày mò tìm hiểu để biết đầy đủ hơn dược tính quý giá của ba kích, rồi lại loay hoay ươm trồng. Khi ông gợi ý người dân trong thôn cùng trồng ba kích, không một ai hưởng ứng vì cho rằng loại “cây của trời” đó chỉ có thể mọc trong rừng. Nhiều tháng liền, Bh’ríu Pố âm thầm lội núi, băng rừng tìm ba kích mang về trồng rồi nhân giống thành công, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân trong vùng. Nhiều huyện miền núi khác ở Quảng Nam, kể cả A Lưới (Thừa Thiên-Huế), cũng cử người đến tìm hiểu “mô hình ba kích” của ông Pố. Còn bây giờ, các nhà chuyên môn đã cung cấp đầy đủ kỹ thuật trồng ba kích cho người dân qua 2 phương pháp: gieo ươm hoặc từ nguồn giống. Nếu tạo cây con từ hạt, thì người dân nên chọn hạt giống từ những cây 5 tuổi trở lên. Nếu tạo cây con từ hom, nên lấy hom từ cây mẹ 3 tuổi trở lên. Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo nên chọn trồng ba kích vào ngày râm mát hoặc có mưa vào vụ xuân hoặc thu.
Báo cáo tổng hợp về nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh của Sở Y tế Quảng Nam cũng xác định ba kích không phải là cây thuốc mới, nhưng đây chính là cây thuốc quý lần đầu tiên ghi nhận được ở rừng Coong Zơng thuộc thôn Arấh, xã Lăng (Tây Giang). Sau đó, người dân còn phát hiện ba kích ở 3 xã khác nữa gồm A Tiêng, A Nông, Bhờ Lêê. Ba kích được chú ý nhiều đến bởi dược tính của nó góp phần chữa liệt dương, di tinh, đau lưng mỏi gối, dùng cho phụ nữ có thai, kinh nguyệt chậm, bế kinh…
Làm giàu quá dễ
Từ một địa bàn không có vườn ba kích riêng nào, đến nay Tây Giang đã trồng được 65 ha. Ngoài xã Lăng, ba kích còn trồng ở Ga Ry, A Xan… “Tôi chưa thống kê kỹ nhưng trồng cỡ vài héc ta ba kích mỗi hộ dân thì nhiều, tất nhiên người trồng nhiều nhất vẫn là bác Pố”, ông Bh’riu Liếc phấn khởi.
Mức giá 400.000 - 500.000 đồng/kg ba kích hiện nay đang tạo sự phấn khích đối với đồng bào C’tu, một kết quả khả quan sau nhiều năm liền theo đuổi chiến lược phát triển cây thuốc quý này thành cây “xóa đói giảm nghèo” của Tây Giang. Tuy nhiên, thật nghịch lý khi chính quyền địa phương lại đang muốn… kéo giảm giá thành ba kích ngoài thị trường xuống. “Giá ba kích hiện quá đắt! Có tình trạng này là vì nhu cầu lớn, khách mua nhiều trong khi nguồn hàng ít. Chúng tôi muốn giảm giá bằng cách… mở rộng phát triển thật nhiều diện tích ba kích ở Tây Giang”, ông Liếc giải thích về kiểu “giảm giá tích cực”.
Tham khảo giá bán ba kích bày bán trên toàn quốc (theo số liệu của Sở Y tế Quảng Nam hồi đầu năm 2015) cho thấy sản phẩm này khi tung ra thị trường có nhiều mức khác nhau. Trong đó, loại sản phẩm củ tím (trồng) bán ở các tỉnh phía bắc dao động 120.000-180.000 đồng/kg; củ mọc ngoài rừng (loại thường) thu mua của dân 230.000-250.000 đồng/kg, sau đó bán ra khoảng 300.000 đồng/kg; loại củ rừng lâu năm có giá đắt gấp 4 lần, từ 1-1,2 triệu đồng/kg.
Vậy nên, với những người có hàng ngàn gốc ba kích do tự ươm trồng mà nên như Bh’riu Pố và nhiều người khác ở Tây Giang, câu chuyện làm giàu đã dễ như trở bàn tay…
Trồng ba kích có thưởng
Ngoài những vườn ba kích do người dân tự trồng, H.Tây Giang xây dựng một số mô hình vườn ươm cây ba kích tại xã A Tiêng và Lăng. Thú vị hơn, Tây Giang đã có cơ chế treo thưởng để người dân hào hứng tham gia trồng ba kích. Khi ông Bh’riu Liếc còn làm Chủ tịch UBND H.Tây Giang (năm 2005), địa phương đã quyết định thưởng 5 triệu đồng cho hộ nào trồng 1ha ba kích. “Cơ chế này đến bây giờ vẫn đang còn hiệu lực. Ngoài thưởng tiền, huyện còn cung cấp giống miễn phí, hỗ trợ lưới sắt làm hàng rào... cho đồng bào”, ông Liếc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.