Hơn 200 người Việt gồm nhiều thế hệ, cùng dâu, rể và bạn bè thân thiết người nước ngoài của Việt Nam tại Thụy Sĩ đã đến chung vui, cùng nâng niu tình yêu quê hương đất nước và tết truyền thống của dân tộc.
Cộng đồng đã được nghe Đại sứ Phùng Thế Long báo cáo một số điểm nổi bật về kinh tế, chính trị, xã hội và ngoại giao của Việt Nam trong năm 2023.
Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào ngày 18.1, cho phép người định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.
Về phía cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ, Đại sứ Phùng Thế Long đánh giá cao hoạt động của trường Bình Minh, là nơi đã duy trì nhiều năm việc dạy tiếng Việt cho các cháu thiếu nhi gốc Việt và tặng trường bộ sách Chào tiếng Việt.
Đại sứ cũng thông báo việc thành lập Diễn đàn kinh tế Thụy Sĩ Việt Nam với tư cách một tổ chức góp phần thúc đẩy quan hệ kinh doanh giữa 2 nước.
Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, cũng tham dự buổi gặp mặt cộng đồng tại Bern và có lời chia tay kết thúc nhiệm kỳ, chuẩn bị về nước.
Trong không khí vui tươi tràn ngập sắc xuân, Đại sứ Phùng Thế Long và phu nhân đã trao tiền mừng tuổi cho các cháu thiếu nhi trong cộng đồng.
Các cháu cùng bố mẹ và ông bà thưởng thức những món ăn đặc trưng ngày tết như bánh chưng, giò chả mang từ Việt Nam sang.
Cùng với nhà hàng Maison Việt từ thị trấn Vevey ở tiểu bang Vaud phụ trách chính phần ẩm thực, nhà hàng Chez Ginette ở tiểu bang Fribourg cũng đem đến buổi tiệc món bánh cuốn đậm chất miền Bắc kết hợp với nước mắm kiểu miền Nam, khiến thực khách mê mẩn.
Hội Fribourg còn mang đến một đội văn nghệ, hát hò sôi động trên nền karaoke, khiến nhiều đôi chân bị cuốn theo điệu nhạc, tạo nên một đoạn kết xôm tụ và tươi vui cho cuộc hội ngộ mừng xuân Giáp Thìn ở thủ đô Thụy Sĩ.
Quan hệ Việt Nam – Thụy Sĩ
Đại sứ Phùng Thế Long cho biết, quan hệ 2 nước trong năm 2023 tiếp tục chứng kiến sự gia cố trên nhiều mặt, từ chính trị, kinh tế, thương mại, cho đến hỗ trợ phát triển, văn hóa và giáo dục.
Chủ tịch và hai Phó chủ tịch Hạ viện, cùng nhiều quan chức cấp cao của Thụy Sĩ đã đến thăm Việt Nam, trong khi có 26 đoàn lãnh đạo các cấp của Việt Nam thăm và làm việc với các đối tác, chính quyền liên bang và các tiểu bang Thụy Sĩ.
Gần nhất là cuộc làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Viola Amherd và Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Guy Parmelin của Thụy Sĩ bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos ngày 16.1. Phía Thụy Sĩ khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong chính sách đối ngoại kinh tế của họ tại khu vực Đông Nam Á, và cam kết tiếp tục hỗ phát triển cho Việt Nam với hơn 40 dự án đang được triển khai trên nhiều lĩnh vực.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 1,85 tỉ USD, tăng 1,7% so với cùng kì năm 2022. Thụy Sĩ xuất sang Việt Nam chủ yếu dược phẩm, hóa chất, máy móc và cơ khí chính xác, đồng thời nhập từ Việt Nam các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, giày dép, dệt may và thủy sản.
Bình luận (0)