Xuân sớm trên những nhà giàn

31/01/2016 07:57 GMT+7

Tết năm ngoái, bộ đội nhà giàn DK1/7 (thuộc Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) thận trọng mang ra một cây mai cao chừng 2 gang tay và nâng niu chăm bẵm, mong Tết Bính Thân 2016, cây vẫn nở hoa đâm chồi.

Tết năm ngoái, bộ đội nhà giàn DK1/7 (thuộc Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) thận trọng mang ra một cây mai cao chừng 2 gang tay và nâng niu chăm bẵm, mong Tết Bính Thân 2016, cây vẫn nở hoa đâm chồi.

Bàn thờ ngày tết của nhà giàn DK1/20	- Ảnh: Mai Thanh HảiBàn thờ ngày tết của nhà giàn DK1/20 - Ảnh: Mai Thanh Hải
Thế nhưng những ngày đầu 2016 bão gió liên tục, cây không chịu nổi nên cứ dần chết khô, khiến anh em buồn rười rượi. Thấy tôi tần ngần bên cây cháy khô, trung úy Nguyễn Ngọc Lâm, nhân viên thông tin của DK1/7, động viên: “Anh đừng lo, bọn em có cây tết thay rồi!” và chỉ ra cây ớt nhỏ xíu nhưng trĩu quả xanh đỏ vàng, cười: “Đơn giản vậy, mới là mùa xuân nhà giàn!”…
“Bố đi bộ đội bao nhiêu năm, tại sao con không thể như bố !”
Lê Tấn Sang (22 tuổi, quê ở TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) là chiến sĩ trên nhà giàn DK1/2, đứng chân trên bãi cạn Phúc Tần, bảo vệ thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Cao to, khôi ngô và trắng trẻo như thể sinh viên làm tôi tò mò: “Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, em đi học đại học chứ?”. Sang tủm tỉm: “Em đang học năm thứ nhất, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TP.HCM nhưng xin nghỉ học để viết đơn tình nguyện vào bộ đội!”. Ngồi nói chuyện, tôi càng ngạc nhiên: Thi đậu Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, nhưng Sang vừa học vừa thuyết phục bố mẹ cho “tạm nghỉ học, đi bộ đội”. Ròng rã gần năm trời, bố mẹ mới miễn cưỡng đồng ý trước lý lẽ rất đơn giản: “Con lớn rồi, cho con tự quyết định con đường mình đi” và “Bố đi bộ đội bao nhiêu năm, tại sao con không thể như bố!”. Tháng 2.2015, Sang nhập ngũ và tháng 7.2015, tiếp tục xin ra công tác ngoài nhà giàn. Tôi gạn hỏi: “Tết đầu tiên xa nhà, có thấy buồn không?”. Sang gật đầu: “Ngoài này mênh mông biển trời, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy anh em chú cháu, ai bảo không buồn chán - cô độc là người ấy nói dối. Nhưng ở vài tháng thành quen, thi thoảng có buồn lại gọi điện cho bố mẹ, nghe kể chuyện trong bờ là thấy cần phải sống tốt, sống có ích và không được phép buồn riêng!”.
Cùng tuổi với Sang là chiến sĩ Nguyễn Minh Tân (22 tuổi, quê ở TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cũng mới ra nhà giàn công tác từ tháng 7.2015 và Tết Bính Thân 2016 là tết đầu tiên xa nhà. Nói chuyện tết, Tân ngập ngừng: “Hôm rồi, bố mẹ em đi xe máy từ TP.Bà Rịa ra tiểu đoàn, đóng ở đường Đô Lương, TP.Vũng Tàu để nhờ gửi quà tết theo tàu thay quân cho em!”.
Gà sống, rau củ là quà tặng của bạn đọc Báo Thanh Niên cho các nhà giàn, tàu trực
“Bố Dần” nhường Tết
Thiếu tá Lê Văn Dần, nhân viên báo vụ thuộc nhà giàn DK1/19 đóng quân ở bãi cạn Quế Đường, được gọi là “lão làng DK1” bởi đã có 28 năm công tác trong lực lượng hải quân, từ một số đảo ngoài Trường Sa cho đến tất cả các nhà giàn trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Sinh năm 1965 ở Thạch Hà (Hà Tĩnh), năm 1984 anh Dần vào bộ đội và năm 1988 đã tham gia chiến dịch CQ-88 chốt giữ đảo chìm Đá Đông, sau đó chi viện cho lực lượng đánh trận Gạc Ma ngày 14.3.1988, đóng giữ Cô Lin trong suốt 4 tháng trời. Năm 1989, thiếu tá Dần có mặt trong tốp chiến sĩ đầu tiên đi theo tàu HQ-668 làm nhiệm vụ khảo sát và đóng giữ các nhà giàn 1A, 2A, 3A, 6A ở các bãi cạn Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Ba Kè. Tháng 12.1992, khi đang chốt giữ nhà giàn 6A, cơn bão lớn cuối năm với sóng cấp 12 đánh vào làm sập nhà giàn, thiếu tá Dần đã mưu trí - dũng cảm cùng chỉ huy trưởng nhà giàn tổ chức bộ đội thoát khỏi vụ đổ sập 1 cách an toàn, sau đó tìm vớt 5 anh em khác, cùng lênh đênh gần 1 ngày trên biển, phát tín hiệu cho tàu cứu hộ Sông Thao của Lữ đoàn 125 tìm vớt nguyên vẹn người và tài liệu mật.
Nói chuyện đón tết, thiếu tá Dần cười: “28 năm bộ đội thì chỉ được ăn tết ở bờ 13 lần. Từ 2005 đến nay, tôi liên tục ăn tết ngoài nhà giàn!”, khiến tôi sững sờ: “Tại sao anh không đề xuất cấp trên?”. Lại cười: “Là tôi tình nguyện ở lại trực tết cho anh em. Mình lớn tuổi, kinh nghiệm ở biển nhiều, những ngày tết còn làm đầu trò cười vui khuây khỏa cho anh em trẻ. Hơn nữa, nhà mình lại ở ngay TP.Vũng Tàu, có về sau tết cũng được ở ngay với vợ con. Thuận lợi hơn nhiều so với anh em ngoài miền Bắc, miền Trung xa vợ con biền biệt cả năm trời!”. Có lẽ là thế, nên ở nhà giàn 1/19, ai cũng gọi anh là “bố Dần”.
Chiến sĩ nhà giàn trực canh 24/24
Gửi nỗi nhớ qua màn hình điện thoại
Đại úy Vũ Văn Tưởng (quê Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) là Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/20, đã có 5 năm liên tục công tác tại các nhà giàn trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc, trong đó 4 năm đón tết ngoài biển cùng bộ đội. Ngồi mân mê mấy tấm hình vợ con chụp qua điện thoại, Tưởng tâm sự: Vợ sinh con gái đầu, khi chồng đang lênh đênh trên tàu làm nhiệm vụ ngoài biển. Con gái thứ 2 sinh được 1 tháng thì bố lại phải xách ba lô ra nhà giàn. Cả hai cô con gái sinh ra, đều nhờ ông bà tìm đặt tên, bởi bố không có nhà…
Cũng rất thật, đại úy Tưởng bảo: “Trong bờ, đôi khi còn so đo tính toán, nhưng đã ở ngoài nhà giàn, nơi sự sống và cái chết cách nhau chỉ gang tấc, thì mọi sự so đo đều biến mất, để nhường chỗ cho sự gắn kết quây quần anh em, dằng dặc cả năm trời. Càng ngày tết, anh em càng cần nhau, quây quần cùng nhau, có khi hơn cả gia đình!” và lý giải: “Sóng gió bất thường, tàu nước ngoài rình rập liên tục, phải gắn kết và tỉnh táo để giữ nhà giàn, giữ mạng sống cho nhau thì vợ con, người thân trong bờ mới yên tâm đón tết. Trong bờ an lành đầm ấm, thì anh em ngoài này, có khổ mấy, cũng thấy nhẹ lòng!”.
Cây mai tự làm bằng ni lông được bày trên nhà giàn DK1/18
Tôi đứng ở khung cửa nhà giàn DK1/19, nhìn vào căn phòng chật hẹp trên nhà giàn cũ kỹ, vẫn thấy Tưởng ngắm vội hình con gái qua màn hình điện thoại cũng cũ kỹ, thấy những sự so đo của mình, trở thành vô duyên trước những người lính nhà giàn. Gần 1 tháng trời lênh đênh trên con tàu 621 (Lữ đoàn 125, BTL Vùng 2 Hải quân), mang quà tết đến những người lính trên 15 nhà giàn - tàu trực, đến đâu tôi cũng gặp những nụ cười trẻ trung, thân thiết và tin tưởng, của từ những chiến sĩ tuổi 18 - 20 cho đến cựu binh gắn cả cuộc đời cho nhà giàn. Tết với tôi, không còn xa lạ với hoa mai vàng, hoa đào hồng, rượu bia tràn trề... mà còn là bừng sáng từ những nụ cười rắn rỏi, kiên trung và lời chào từ biệt trên giàn - dưới xuồng: “Trong bờ cứ yên tâm đón tết, lính nhà giàn ngoài này vẫn sẽ tỉnh táo thức canh!”. Và thế là mùa xuân cũng về sớm trên các nhà giàn, bồi hồi từ những nắm tay rất chặt, thân thương!...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.