Trong tập 6 trên kênh podcast XT6, tiền vệ Lương Xuân Trường đã kể lại những kỷ niệm cùng HLV Toshiya Miura, khi ông còn làm việc ở đội tuyển Việt Nam.
Chiến lược gia người Nhật Bản có 2 năm gắn bó với cương vị này (từ tháng 5.2014 đến tháng 3.2016), và đó cũng là khoảng thời gian mà lứa HAGL JMG khóa 1, 2, trong đó có Xuân Trường chập chững những bước đi đầu tiên trong màu áo đội tuyển Việt Nam.
Tiền vệ sinh năm 1995 đã hóa giải những hiểu nhầm về HLV Miura, trong đó có cả định kiến rằng ông không thích cầu thủ HAGL, mà chỉ tin dùng những cầu thủ nhanh, khỏe.
"Có nhiều ý kiến cho rằng HLV Miura không thích dùng cầu thủ có lối chơi kiểu HAGL, cũng có người nghĩ rằng quãng thời gian đó sẽ không đáng nhớ trong sự nghiệp của mình. Nhưng ngược lại, mình lại có rất nhiều ấn tượng khi làm việc cùng thầy. Mình cảm thấy sự chuyên nghiệp rõ ràng. HLV Miura làm mọi thứ cực kỳ chi tiết và mình đã học được rất nhiều điều", Xuân Trường kể lại.
Cựu tiền vệ HAGL lý giải rằng ở học viện ngày trước, khi chuyền bóng xong thì cầu thủ không nhất thiết phải chạy ngay lập tức, sử dụng tốc độ để di chuyển để hỗ trợ và tạo cho người nhận bóng thêm một lựa chọn.
"Còn ở U23 khi đó, trong bài tập chuyền bóng đầu tiên, sau khi chuyền bóng, mình đã hơi lững thững như thói quen nên đã bị mắng ngay. Đó cũng là điểm thay đổi lớn nhất trong tư duy chơi bóng của mình ở thời điểm đó. Bởi vì nếu mình di chuyển chỉ cần nhanh hơn đối thủ 1, 2 bước, hay 1, 2 nhịp thôi là kết quả đã khác", Xuân Trường khẳng định.
Với Xuân Trường, HLV Miura là người rất khắt khe và kỷ luật, luôn đề cao tập thể, không có bất kỳ ngoại lệ nào cho các cá nhân.
"HLV Miura cực kỳ tâm huyết với bóng đá và cầu thủ Việt Nam. Cũng nhờ sự tâm huyết đó mà những chỉ dạy của ông khiến mình tiến bộ hơn nhiều, đặc biệt là sự thay đổi về thể lực và sự di chuyển linh hoạt hơn để giành chiến thắng ở các tình huống bóng hai. Khi đồng đội mình tranh chấp bóng bổng hoặc các pha 50-50 với đối thủ, bóng có thể bật ra. Đó là những tình huống mà ai đọc tình huống tốt hơn, ai nhanh hơn, ai chủ động hơn thì sẽ có lợi thế.
Dưới thời HLV Miura, mọi người cũng thường ấn tượng với sự thay đổi về thể lực của các cầu thủ. Điều này chủ yếu đến từ cường độ tập luyện. Thực ra những bài tập của thầy Miura không dài, nhưng cường độ thì rất cao. Việc làm quen với cường độ tập luyện trong các bài tập của thầy giúp các cầu thủ cải thiện thể lực, đặc biệt là khả năng thích ứng với cường độ chơi bóng trong trận đấu với những đối thủ mạnh", Xuân Trường đánh giá.
Tiền vệ sinh năm 1995 chia sẻ thêm: "Trước mỗi giải đấu, HLV Miura có thói quen họp riêng với từng cầu thủ. Mục đích là để nhận xét trong quá trình vừa rồi mọi thứ đã diễn ra như thế nào, tập luyện như nào, tiến bộ ra sao, điểm mạnh điểm yếu là gì, có những gì cần thay đổi.
Ngoài ra, đó cũng là lúc cầu thủ có thể nói ra những suy tư, hay những băn khoăn mà bấy lâu nay chưa có dịp được trò chuyện cùng các HLV trưởng. Mình đánh giá cao việc này là vì bất kỳ một cầu thủ nào cũng sẽ có những tâm tư của riêng mình".
Dù chỉ làm việc trong khoảng thời gian ngắn, nhưng HLV Miura cũng góp công giúp U.23 Việt Nam giành HCĐ SEA Games 2015, lần đầu giành vé dự vòng chung kết U.23 châu Á (năm 2016), bên cạnh suất đá bán kết AFF Cup 2014. Thể lực, sức chiến đấu của đội tuyển Việt Nam được "thổi bùng" trong thời gian ông Miura nắm quyền. Đáng tiếc, hành trình của HLV người Nhật Bản không thể kết thúc trọn vẹn.
Bình luận (0)