Mong muốn được truyền cảm hứng qua trang sách
|
Từ những năm học THCS, cô đã là cộng tác viên cho các tờ Mực Tím, Tạp chí 2!... Năm 12 tuổi, Phượng gửi tập bản thảo gồm những truyện ngắn mình viết tới Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, tuy nhiên số này bị thất lạc. Cô vẫn kiên trì, bền bỉ viết. Năm
17 tuổi, khi vừa là sinh viên năm nhất, Phượng gửi bản thảo tập truyện ngắn thời học trò của mình qua email tới NXB Phương Nam. Sau một thời gian chờ đợi, cuốn sách đầu tiên của Phượng mang tên Nhắm mắt lại, thấy cả bầu trời ra đời. Phượng bộc bạch: “Tôi viết cuốn này trong suốt 3 năm THPT, sau đó chờ 9 tháng để được NXB hồi âm, mất thêm 9 tháng nữa hoàn tất các khâu để xuất bản. Như vậy để sinh được “đứa con” đầu tiên của mình, tôi mất 4 năm rưỡi”.
Từ truyện ngắn, Phượng viết tản văn, tiểu thuyết, tuy nhiên tản văn mới chính là thế mạnh nhất của Phượng. 3 cuốn sách đầu tiên Phượng vẫn tự mình gửi đến NXB sau đó chờ họ hồi đáp, khá mất thời gian từ lúc gửi bản thảo đến lúc xuất hiện trên giá sách vì người ta vẫn đang hoài nghi Phượng là ai, sách của cô liệu có phù hợp với thị hiếu độc giả hay không. Tuy nhiên, từ cuốn thứ 4 trở đi Phượng đã định hình phong cách rõ rệt hơn, cô gái quê ở Đồng Nai xây dựng được uy tín của riêng mình với các NXB.
Từ cuốn sách thứ 7, và rõ ràng nhất ở cuốn sách thứ 8 Trưởng thành lấy đi điều gì, người ta đã thấy một Phượng mạnh mẽ hơn, cảm hứng truyền cho người trẻ cũng rõ ràng hơn: Bạn có thể không là ai nhưng cũng không phải bạn chẳng là cái gì; hạnh phúc có công thức, được xây dựng từ mục tiêu của bạn và thực hiện được bằng tri thức, sự cho đi và sự tận hưởng cuộc sống; yêu bản thân nhiều hơn, đừng suốt đời sống bằng cảm xúc của người khác…
Phượng chia sẻ: “Khi tôi viết về những nỗi buồn dễ có sự đồng cảm hơn. Còn khi sách của tôi lạc quan hơn, dễ bị nghĩ là hô hào, khẩu hiệu. Để thuyết phục bạn đọc, trước hết tôi kể cho mọi người những câu chuyện của các nhân vật khác nhau, sau đó để họ tự đưa ra các giải pháp”.
Khởi nghiệp để học hỏi nhiều hơn
Nguyễn Thị Yến Phượng là con út trong gia đình có 4 chị em gái, cha mẹ cô kinh doanh nhỏ tại Đồng Nai. Cha mẹ ban đầu không tin con gái có thể xuất bản nhiều đầu sách như vậy, đến khi thấy con làm được, họ vẫn hoài nghi: “Viết sách đâu nuôi sống con được, sao không làm gì thực tế hơn”. Phượng chia sẻ thật lòng, đến nay cô chưa thể hoàn toàn sống được bằng doanh thu từ xuất bản sách, kể cả cuốn thứ 5 của cô bán được trên 30.000 bản, thì số tiền thu được cũng không đáng là bao.
Để nuôi niềm đam mê viết sách, Phượng từng làm không ít công việc khác nhau: cộng tác cho các tờ báo, truyền thông, quảng cáo. Tháng 9.2018, Phượng mở công ty riêng về truyền thông, song song đó cô còn đảm trách vai trò kinh doanh và đào tạo các bạn trẻ trong một công ty bất động sản. Theo Phượng, tri thức luôn luôn cần thiết với người trẻ, khởi nghiệp cũng là cách để cô học hỏi nhiều hơn, viết sách tốt hơn.
“Là một nhà kinh doanh viết sách, những trang tôi viết sẽ thực tế hơn, đề cập tới những giải pháp thiết thực của người trẻ, không chỉ có sự lãng mạn, bay bổng, bi lụy”, Phượng nói. Phượng đang viết cuốn sách thứ 9, chủ đề về nghề viết lách - nghề đang hot và được người trẻ quan tâm tìm hiểu.
Bình luận (0)