Xuất hiện cách lách hợp thức hóa dạy thêm

18/02/2025 06:06 GMT+7

Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định dạy thêm đã chính thức có hiệu lực từ 14.2, những ngày qua chúng tôi ghi nhận một số ý kiến thắc mắc, cũng như chiêu trò "chia phần trăm" để hợp thức hóa dạy thêm, học thêm.

TRUNG TÂM, HỘ KINH DOANH CÓ ĐƯỢC DẠY HỌC SINH TIỂU HỌC?

Chủ một công ty giáo dục (có đăng ký mã ngành kinh doanh 8559) tại TP.HCM tổ chức một số lớp luyện chữ đẹp, viết văn sáng tạo, toán tư duy cho trẻ em, cho biết nhận được nhiều cuộc điện thoại của phụ huynh hỏi con họ đang học tiểu học, sắp tới có được đến trung tâm học tiếp hay không… Nếu trung tâm hoặc hộ kinh doanh ký hợp đồng với một giáo viên (GV) tiểu học công lập để dạy những nội dung kia, thì học sinh (HS) trên trường của cô này có được học ở trung tâm/hộ kinh doanh không?

Xuất hiện cách lách hợp thức hóa dạy thêm- Ảnh 1.

Hoạt động dạy thêm, học thêm đang theo quy định của Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14.2

ẢNH: NHẬT THỊNH

Hay có bạn đọc Báo Thanh Niên thắc mắc: "Tôi đọc Thông tư 29 thì thấy không được tổ chức dạy thêm với HS tiểu học trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Vậy các trung tâm, hộ kinh doanh, có được nhận HS tiểu học dạy kỹ năng viết chữ đẹp, viết văn sáng tạo, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh không?".

Trong cuộc phỏng vấn ngày 8.2, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Thông tư 29 không cấm GV dạy thêm, vấn đề là phải dạy đúng quy định trong thông tư. Với GV tiểu học, Thông tư 29 cũng không cấm dạy thêm. GV tiểu học không được dạy thêm những môn mình dạy chính khóa ở trường, lớp. Còn lại các thầy cô có thể dạy các em rèn chữ đẹp, dạy thủ công mỹ nghệ, dạy STEM, đàn hát, vẽ tranh nghệ thuật, năng khiếu… GV trong trường công lập vẫn có thể ra trung tâm dạy đàn, dạy vẽ, thể thao… vì đây là các môn bồi dưỡng năng khiếu cho HS, không được tính là các môn dạy kiến thức văn hóa nên không bị xếp là dạy thêm, học thêm.

Ông Hồ Tấn Minh nói: "Việc dạy tiếng Anh tại các trung tâm chú trọng luyện nói, nghe, đọc, ôn thi các chứng chỉ như Starters, Movers… không phải dạy kiến thức trên lớp, học tiếng Anh ở đây để phát triển năng lực. Nên dạy tiếng Anh ở trung tâm (kể cả với HS tiểu học) không được xếp là dạy thêm".

Sở GD-ĐT TP.HCM Không cấm dạy thêm học thêm nhưng phải đúng quy định

Một chuyên viên Phòng GD-ĐT tại TP.HCM cho biết các nội dung học trên không nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và không xếp vào dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, khi đơn vị, cá nhân có dạy các nội dung trên cho HS tiểu học hay bất cứ HS cấp nào cũng phải đăng ký kinh doanh theo đúng quy định. Và nếu GV trường công lập tham gia dạy các lớp này ở ngoài nhà trường cũng phải tuân thủ việc báo cáo với hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị mà mình đang công tác.

DẠY THÊM NHÓM NHỎ CÓ PHẢI ĐĂNG KÝ KINH DOANH?

Mới đây, một bạn đọc gửi thắc mắc về tòa soạn: "Theo Nghị định 01/2021 về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thu nhập thấp thì không cần phải đăng ký kinh doanh. Vậy lớp dạy thêm nhóm nhỏ có thuộc hộ thu nhập thấp không?".

Luật sư Hoàng Tư Lượng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: "Theo Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT, việc dạy thêm hiện nay cần phải đảm bảo đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Nội dung quy định về việc quản lý việc dạy thêm, học thêm không phải dựa vào thu nhập để quy định đăng ký hay không mà là dựa vào quy định của thông tư".

Theo luật sư Lượng, có hai mô hình có thể lựa chọn là đăng ký kinh doanh để dạy thêm, học thêm là theo hộ kinh doanh hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Sự khác nhau của hai mô hình trên nằm ở thủ tục, cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động và thuế phải nộp. Tùy vào quy mô hoạt động mà cá nhân có thể lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh hay doanh nghiệp. Song với quy mô nhỏ và vừa nên đăng ký hộ kinh doanh. Cũng theo khoản 3, điều 4 của Thông tư 29 quy định: "GV thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường". Như vậy, GV trường công không thể đứng tên là chủ hộ để đăng ký kinh doanh dạy thêm mà chỉ có thể là thành viên hộ (không có quyền quản lý điều hành); hoặc ký hợp đồng dạy thuê với một cơ sở dạy thêm có đăng ký kinh doanh ngành nghề dạy thêm.

Chiều 13.2, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ của UBND TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh cũng nhấn mạnh việc dạy thêm ngoài nhà trường cần thực hiện đúng quy định. GV muốn dạy thêm thì phải thực hiện tại các cơ sở có đăng ký kinh doanh hợp pháp chứ không có ngoại lệ dù chỉ dạy kèm 2 - 3 HS hay theo nhóm nhỏ.

Xuất hiện cách lách hợp thức hóa dạy thêm- Ảnh 2.

Thông tư 29 không cấm giáo viên dạy thêm, vấn đề là phải dạy đúng quy định

ảnh: Du Nhiên

CHIA PHẦN TRĂM HỢP THỨC HÓA DẠY THÊM

Trong những ngày qua, chúng tôi ghi nhận thực tế có một số GV đặt vấn đề với các hộ kinh doanh, công ty giáo dục đã đăng ký giấy phép kinh doanh dạy thêm, học thêm để ký hợp đồng trên giấy tờ, sau đó thỏa thuận "chia phần trăm" để có thể hợp thức hóa việc dạy thêm.

Giám đốc một công ty giáo dục tại TP.HCM cho biết chị nhận được đề nghị từ một số GV rằng sẽ đưa HS của họ qua trung tâm để dạy, trung tâm vẫn làm hợp đồng cho hợp lệ, còn chương trình dạy là của GV, HS cũng do GV đưa qua, trung tâm được chia phần trăm, ví dụ trung tâm được 20% tiền học phí một tháng, còn lại GV lấy 80%.

"Nếu làm theo là trung tâm vi phạm, không tuân thủ giấy phép được cấp bởi Sở GD-ĐT, không tuân thủ quy định về đội ngũ GV, chương trình đã báo cáo Sở GD-ĐT, không trung thực với đội ngũ GV đã làm việc rất chuẩn chỉnh và HS, phụ huynh. Chúng tôi từ chối ngay, vì khi mở công ty, trung tâm, phải trải qua một quá trình mới được cấp đủ các giấy phép để yên tâm hoạt động, không thể nào "tham bát bỏ mâm", nữ giám đốc này cho biết. Đồng thời, chị cho rằng thời gian tới, các cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ các trung tâm dạy thêm, học thêm, các hộ kinh doanh đã đăng ký để quản lý xem có tình trạng cố tình lách luật để hợp thức hóa dạy thêm, học thêm hay không. Đặc biệt cần kiểm tra xem các doanh nghiệp/hộ kinh doanh đã đăng ký tuân thủ thế nào, đóng thuế ra sao…

Nhận định về việc quản lý Thông tư 29 làm sao có hiệu quả lâu dài, một chuyên gia trong ngành GD-ĐT của TP.HCM khẳng định: "Bất cứ thông tư, nghị định nào khi vừa ban hành, trong thực tế không phải ai cũng răm rắp tuân thủ 100%, nên các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý giáo dục phải làm việc. Và đó là một trong các tiêu chí để đánh giá trách nhiệm và năng lực người đứng đầu, địa bàn nào xảy ra sai phạm thì xem xét trách nhiệm từ người đứng cao nhất tới người dưới thấp".

TP.HCM yêu cầu GV thực hiện nghiêm túc quy định dạy thêm, học thêm

Ngày 17.2, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có công văn gửi trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT… yêu cầu thực hiện các nội dung liên quan Thông tư 29.

Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường học tổ chức triển khai, phổ biến, tuyên truyền quy định dạy thêm, học thêm. Quán triệt đến toàn thể cán bộ, GV thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm; có kế hoạch kiểm tra, rà soát; kiên quyết không để xảy ra việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định trong và ngoài nhà trường. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ phải phù hợp, không gây áp lực học thêm cho HS.

Tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những HS có kết quả học tập ở mức chưa đạt. Tổ chức cho HS lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Sở GD-ĐT cũng đề nghị các phòng GD-ĐT chú trọng công tác quán triệt đến các trường tiểu học về việc tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học. Chỉ đạo hiệu trưởng các trường điều chỉnh, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình 2 buổi/ngày đúng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, tăng cường, bổ sung các hoạt động CLB, các hoạt động phát triển năng khiếu (nghệ thuật, thể dục thể thao...), rèn luyện kỹ năng sống, đảm bảo phù hợp với đặc điểm địa phương và thời gian đưa đón của cha mẹ HS. Có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp vi phạm quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.