Trong phần 2 của chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành du lịch-dịch vụ" chiều 21.2 của Báo Thanh Niên, các chuyên gia tiếp tục thông tin cho phụ huynh và thí sinh về những biến động của ngành này trong thời gian gần đây và dự báo nhu cầu tuyển dụng, cơ hội việc làm sau đại dịch Covid-19.
4 mã ngành nhưng nhiều chuyên ngành hẹp
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết mặc dù thời gian qua đại dịch Covid19 ảnh hưởng lớn tới du lịch nhưng đây vẫn là một trong 3 khối ngành có tỷ lệ thí sinh theo học đông nhất.
"Nghị quyết 08 của trung ương đặt ra du lịch là ngành đặc thù được nhà nước ưu tiên phát triển nên sức hút của ngành này rất lớn. Mục tiêu đến năm 2030 lĩnh vực du lịch cần 8,5 triệu lao động và thu hút số lượt khách quốc tế là 50 triệu và lượt khách nội địa là 160 triệu lượt. Trước bối cảnh này, rất nhiều trường ĐH đang tái cấu trúc các chương trình đào tạo nhóm ngành dịch vụ, trong đó có du lịch", tiến sĩ Hải chia sẻ.
Hiện tại, du lịch có 4 mã ngành đào tạo gồm du lịch, quản trị dịch vụ du lịch lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ nhà hàng ăn uống. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Hải, dịch vụ du lịch có tính chuyên môn hóa rất cao, nên các trường đi theo hướng đào tạo chuyên ngành. Và để đáp ứng nhu cầu thực tế, các trường đã xây dựng rất nhiều chuyên ngành như văn hóa du lịch, quản trị sự kiện giải trí, du lịch số…
Tiến sĩ Võ Sáng Xuân Lan, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Thái Bình Dương, cũng cho rằng trên thế giới đã xuất hiện xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe sau đại dịch, du lịch theo nhóm nhỏ…
Còn thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, nhận định trước đây khách đi du lịch là để tham quan, tìm hiểu còn hiện nay gắn với tâm linh, du lịch chữa lành, du lịch sức khỏe… Nguyên nhân là vì biến cố dịch Covid-19 đã làm con người có nhu cầu đi để hưởng thụ, để giải tỏa tâm lý…
"Hiện các khu nghỉ dưỡng cao cấp có nhu cầu rất nhiều về nhân viên chăm sóc sức khỏe và thiết kế gói sản phẩm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho du khách. Vì thế, Trường ĐH Thái Bình Dương cũng đã mở chuyên ngành du lịch chăm sóc sức khỏe", tiến sĩ Xuân Lan thông tin.
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Lan, nhu cầu du lịch cũng thay đổi, du khách không đi theo đoàn lớn mà chia ra thành nhóm nhỏ, dịch vụ được cá nhân hóa nên tạo cơ hội việc làm nhiều hơn cho người lao động. Chẳng hạn, trước đây hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn lớn 40 người thì nay đi là nhóm nhỏ 5-10 người nên cần tới 3-5 hướng dẫn viên…
Thay đổi cách đào tạo
Theo thạc sĩ Ngọc Bích, sau đại dịch Covid-19, chương trình đào tạo về du lịch đã được cập nhật giúp người học thích ứng, hội đủ kỹ năng, kiến thức để có thể cạnh tranh trong giai đoạn mở cửa.
"Với nhiều loại hình du lịch dịch vụ mới được hình thành, các trường bắt buộc phải cấu trúc lại, đào tạo liên ngành hoặc song ngành để các ngành bổ trợ lẫn nhau. Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM có 34 chương trình đào tạo thì sinh viên được học song ngành nếu có nhu cầu với 34 ngành chéo. Chẳng hạn, thí sinh đậu ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thì có thể học thêm ngôn ngữ Anh hoặc Nhật hoặc Trung để có kiến thức về du lịch lẫn ngôn ngữ và văn hóa, giúp nghiệp vụ vững vàng hơn, làm việc tốt hơn", thạc sĩ Bích cho hay.
Tại Trường ĐH Duy Tân, khối ngành du lịch có đầy đủ 4 mã ngành được đào tạo theo hướng chuyên ngành như văn hóa du lịch, du lịch thông minh, dịch vụ hàng không, với tổng chỉ tiêu là 700. Trong đó, có 2 chương trình tiên tiến được chuyển giao từ trường ĐH của Mỹ. Thí sinh có thể chọn tổ hợp môn khối A hoặc C hoặc D…
Tiến sĩ Võ Sáng Xuân Lan thông tin thêm: "Trường ĐH Thái Bình Dương cũng xây dựng chương trình đào tạo các ngành du lịch theo hướng gắn kết với doanh nghiệp để giúp sinh viên có đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết. Cụ thể, trong 40-50% chương trình, sinh viên được đào tạo tại doanh nghiệp. Các em học trong lĩnh vực du lịch có thể đi làm thêm và quá trình này được công nhận như là đi thực tập, nếu có hợp đồng chính thức với doanh nghiệp thì được miễn tín chỉ thực tập".
Bình luận (0)