Xuất khẩu 126 tấn gạo thơm sang thị trường EU sau Hiệp định EVFTA

23/09/2020 06:46 GMT+7

126 tấn gạo thơm đầu tiên của Tập đoàn Lộc Trời đã khởi hành rời nhà máy đi tiêu thụ ở thị trường châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu ( EVFTA ) có hiệu lực.

Sáng ngày 22.9, tại Nhà máy Lương thực Thoại Sơn (trực thuộc Tập đoàn Lộc Trời), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm sang châu Âu (EU) sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1.8.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh hướng dẫn các đối tác EU tìm hiểu chất lượng gạo thơm của Việt Nam tại nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời 

Ảnh: Trần Ngọc

Lô hàng xuất khẩu gồm 126 tấn gạo thơm giống Jasmime 85 được Tập đoàn Lộc Trời đóng gói theo quy cách 18 kg sẽ lên đường sang châu Âu vào cuối tháng 9.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đơn vị đã chú trọng đến việc đầu tư tập trung cho việc trồng và kiểm soát chất lượng cho thị trường EU từ năm 2018. Đến nay, đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo giống Jasmine 85, Japonica DS1, OM18, OM5451… vào thị trường này với nhiều quy cách đa dạng. Sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1.8, Tập đoàn đã có sự chuẩn bị trên các lĩnh vực về giống, vùng trồng, lực lượng cho mùa vụ tiếp theo, chủ động làm việc với các đối tác EU để nắm bắt về số lượng, chủng loại và các yêu cầu khác nhằm đáp ứng phù hợp.

Xà lan chở 126 tấn gạo thơm Việt Nam rời nhà máy để chuyển đi châu Âu 

Ảnh: Trần Ngọc

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, thị trường EU có tiềm năng lớn, với dân số hơn 500 triệu người, sức mua rất lớn. Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, có 80.000 tấn gạo, trong đó có 30.000 tấn gạo thơm của Việt Nam, sẽ được EU áp thuế nhập khẩu bằng 0%. Tuy nhiên, theo ông Doanh, EU là thị trường có tiêu chuẩn hàng hoá rất khắt khe về mặt chất lượng nên sự kiện xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên vào EU lần này rất có nghĩa với ngành hàng lúa gạo của Việt Nam, khẳng định chất lượng và thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới.
Ông Doanh đề nghị, để tận dụng lợi thế này trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp và người dân cần nắm chắc các nội dung của cam kết trong Hiệp định EVFTA và những yêu cầu mà EU đã đưa ra đối với từng mặt hàng gạo, nhất là vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Đối với 30.000 tấn gạo thơm, ông Doanh cho biết, EU yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chứng nhận về tính đúng giống nên các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát để minh bạch và trung thực trong việc thực hiện quy định này. Doanh nghiệp phải liên kết sâu rộng với các địa phương và các hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất lớn, tập trung, áp dụng đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ quy trình canh tác, quy trình thu hoạch để tự tin đáp ứng các yêu cầu mà thị trường EU đã đề ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.