Loay hoay bài toán liên kết
Suốt nhiều tháng nay, người trồng thanh long ở Bình Thuận lâm vào tình cảnh bế tắc. Thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đóng cửa biên giới đường bộ, thanh long rớt giá tận đáy dù xuất khẩu chính ngạch vẫn tiêu thụ tốt.
90% sản lượng tôm hùm phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc |
Quang Thuần |
Anh Vũ Anh Quang, người trồng thanh long ở Bình Thuận, chán nản: “Trước nay tôi trồng thanh long ruột đỏ, vẫn lệ thuộc vào thị trường và doanh nghiệp (DN) Trung Quốc. Bây giờ tôi quyết định làm thanh long sạch, theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu sang các thị trường khác. Nhưng nói thật tôi không biết bắt đầu từ đâu, làm xong liệu có ai mua hay không? Trồng thanh long mà không sử dụng thuốc thì năng suất thấp, sâu bệnh nhiều, mà đầu ra thì mờ mịt”.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu, Phó chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN (Vinafruit), nhìn nhận: Xuất khẩu muốn ổn định phải đi đường chính ngạch. Sản phẩm có bao bì đóng gói, có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… những thứ này không mới và là yêu cầu của nhà nhập khẩu kể cả Trung Quốc. Nhưng để làm được điều này thì DN và nông dân phải hợp tác với nhau. Biết là như vậy nhưng khi thực hiện rất khó. Trước đây, bản thân tôi rất tâm huyết, nên đi tổ chức liên kết hợp tác với nông dân rất nhiều nơi và nhiều lần nhưng đều không thành công. Mình đưa ra tiêu chuẩn thì nông dân ít làm theo hoặc làm theo nhưng không đúng. Họ cũng không thích bao tiêu giá cố định, mà lại thích bao tiêu theo giá thị trường. Nhưng khổ là khi giá cao thì họ bán đi đâu hết, DN gom không đủ hàng. Đến khi thị trường khó khăn rớt giá, thì bao nhiêu hàng họ chở tới chất đầy nhà xưởng bắt DN thu mua. Ngược lại, khi ký hợp đồng bao tiêu đòi hỏi DN phải có trách nhiệm xây dựng quy trình tiêu chuẩn rồi tìm kiếm thị trường… Tốn nhiều công sức như vậy, nên nhiều DN cũng không mặn mà.
“Có vẻ điều này bắt nguồn từ văn hóa nghi ngờ lẫn nhau từ bao đời nay giữa nông dân và thương lái, đối đầu nhiều hơn là hợp tác. Nay DN xuất khẩu cũng bị đánh đồng như vậy. Dù là câu chuyện kinh tế nhưng cái văn hóa, rào cản tư duy đó cần thay đổi”, ông Hiệp nhận định.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN, khẳng định: “Xuất khẩu chính ngạch là tương lai chắc chắn sẽ phải đến với nền kinh tế nông nghiệp. Việc hợp tác giữa nông dân và DN là chìa khóa để hướng đến nền kinh tế đó, không thể phân khúc như hiện nay. Trong nền kinh tế nông nghiệp, mấu chốt của thành công chính là các tiêu chuẩn kỹ thuật, sản xuất an toàn và tiêu chuẩn sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nông dân VN sản xuất tự do như lâu nay sẽ không thể tồn tại được và bắt buộc họ phải thay đổi tư duy. Ví dụ như ngành thủy sản, các DN đều phải chấp nhận và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường mới phát triển bền vững”.
Điểm sáng từ tôm hùm
Cuối tháng 3, không khí làm việc tại Công ty TNHH thủy sản và thương mại Thành Nhơn tại Phú Yên hết sức nhộn nhịp. Nhóm thợ thu hoạch khẩn trương vận chuyển, cân trọng lượng những con tôm hùm to tướng để đóng vào thùng. Có mặt tại trạm thu mua, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty Thành Nhơn, cho biết: “Từ tháng 8 năm trước, công ty tôi bắt đầu xuất khẩu chính ngạch tôm hùm sang Trung Quốc, ban đầu số lượng còn khá khiêm tốn, chỉ vài chục tấn, sau đó các đối tác bắt đầu tin tưởng ký những hợp đồng lớn hơn. Cuối năm 2021, tôi ký được hợp đồng xuất khẩu 400 tấn, mới đây vừa ký thêm được đơn hàng 100 tấn nữa. Tôi đang tích cực hợp tác, liên kết với các hộ nuôi để có đủ nguồn hàng đáp ứng hợp đồng”.
Trong lĩnh vực nuôi tôm hùm, Thành Nhơn là một trong những DN hiếm hoi ở VN quyết tâm đeo đuổi con đường xuất khẩu chính ngạch. Theo thống kê, 90% tôm hùm nuôi từ biển miền Trung đều bán cho Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. “Tất cả thông tin giá bán, đầu mối, khách hàng đều do phía Trung Quốc cử người đứng ra làm”, một chủ vựa thu mua tôm hùm tại Phú Yên nói và cho biết: “Việc buôn bán tiểu ngạch giống như trò chơi may rủi vì tình cảnh đóng biên có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Trước kia họ đóng cửa một vài ngày, xe chở tôm hùm có thể chờ khi nào mở lại thì giao hàng. Nhưng bây giờ thời gian đóng biên kéo dài hơn. Người mua ở bên kia biên giới cũng không có cách nào khác để nhận hàng. Tôm ngộp nhiều hơn, thế nên rất nhiều xe bán tháo ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc hoặc đổ dọc đường khi quay về”.
Không chỉ vấn đề đóng biên, việc thanh toán cũng là một rủi ro rất lớn khi mua bán tiểu ngạch. Đa phần khách hàng Trung Quốc mua nợ từ nửa tháng hoặc hơn. Không ít trường hợp khách mua xong không trả tiền, nhiều người nuôi tôm ở Phú Yên, Khánh Hòa lâm cảnh bế tắc, vỡ nợ, phá sản.
So sánh với hình thức xuất khẩu chính ngạch, bà Anh Thư nhận định: Mua bán tiểu ngạch giống như mang ra chợ bán, mà ở đó người bán lại ở cái thế chầu chực người mua. Họ lựa hàng tươi ngon, còn hàng dạt thì ta mang về bán nội địa. Xuất khẩu chính ngạch có hợp đồng, giá bán rõ ràng, người bán luôn ở thế chủ động vì khách hàng cần đến sản phẩm của chúng ta. Khách Trung Quốc kèo nèo, tôi có khách Hàn Quốc, khách Lào, Thái Lan thay thế.
“Ngay trong tháng 4, công ty sẽ được cấp mã vận chuyển hàng không đi Trung Quốc từ sân bay Đà Nẵng. Khi khâu vận chuyển không còn trở ngại, tôi sẽ hợp tác với hộ nuôi, cùng với nguồn tự nuôi của gia đình tôi, đẩy mạnh xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang thị trường này”, bà Anh Thư chia sẻ.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang đẩy mạnh các mô hình hợp tác, liên kết giữa nông dân với nông dân và nông dân với DN. Đây có thể xem là bước đi cơ bản để có thể đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, đây là quá trình cần thêm nhiều thời gian.
GS Bùi Chí Bửu
Bình luận (0)