Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ tiếp tục tăng trưởng mạnh

18/04/2023 16:02 GMT+7

Trong quý 1/2023, toàn ngành gỗ xuất khẩu tăng trưởng âm 28% nhưng các sản phẩm phụ như dăm gỗ và viên nén gỗ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng - cùng trên 30%.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Trong quý 1/2023 đến nay doanh thu đạt 3,1 tỉ USD, giảm 28%. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỉ USD, giảm 28,3%; lâm sản ngoài gỗ đạt 224 triệu USD, giảm 28,2%. Dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt tương đương năm 2022.

Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ tiếp tục tăng trưởng mạnh - Ảnh 1.

Xuất khẩu viên nén gỗ tiếp tục tăng trưởng mạnh

T.L

Tuy nhiên, cũng như năm 2022, trong khi xuất khẩu các sản phẩm chính gặp khó khăn thì các phụ phẩm vẫn tăng trưởng tốt, đặc biệt là dăm gỗ và viên nén gỗ. Cụ thể, mặt hàng dăm gỗ năm 2022 xuất khẩu đạt giá trị đến gần 2,8 tỉ USD, tăng gần 61% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt gần 600 triệu USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ 2022. Điểm đến quen thuộc của mặt hàng này vẫn là Trung Quốc và Nhật Bản.

Tăng trưởng đột phá nhất chính là viên nén gỗ, năm 2022 đạt 818 triệu USD, tăng gần 81% so với năm 2021. Thị trường tiêu thụ chính là Hàn Quốc và Nhật Bản cùng với một phần nhỏ xuất sang EU. Trong 3 tháng đầu năm nay, mặt hàng này đạt kim ngạch 212 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ thuận lợi vì xu hướng ở một số nước chuyển sang nguyên liệu này khi nguồn cung xăng dầu căng thẳng, đặc biệt trong năm 2022. Tuy nhiên, tình hình chung của cả ngành vẫn tiếp tục khó khăn do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu.

Bên cạnh đó, do khó khăn nên các nước tăng cường các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại nên ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm đối với thị trường Mỹ.

Ngoài ra, một số khó khăn trong quá trình thực thi các cơ chế, chính sách trong nước như: chính sách thuế, bảo hiểm xã hội và tín dụng cho doanh nghiệp. Cần có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 - 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.