Xuất khẩu điều lấy lại 'phong độ'

14/06/2019 11:13 GMT+7

Hạt điều trong nước tăng giá và duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu của thị trường thế giới phục hồi. Theo Bộ Công thương, nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng từ 10-15% trong quý 3/2019.

Tăng 10-15% trong quý 3

Sau 4 tháng đầu năm ảm đạm, sang đầu tháng 5 giá hạt điều nguyên liệu, nhân hạt điều và hạt điều chế biến của Việt Nam đã có sự khởi sắc. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), nhân hạt điều hiện nay của các nhà máy sản xuất chỉ đáp ứng cho những hợp đồng đã ký trước, trong khi có nhiều đơn hàng cần giao ngay nên lượng nhân hạt điều không đáp ứng đủ nhu cầu.
Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết: Xuất khẩu hạt điều tháng 5.2019 đạt 40.000 tấn, trị giá 294 triệu USD, tăng trên 12% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với tháng 4.2019.
Lũy kết 5 tháng đầu năm đạt 154.000 tấn, đạt giá trị 1,2 tỉ USD, tăng gần 8% về khối lượng nhưng giảm gần 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2019 đạt 7.910 USD/tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu hạt điều tăng mạnh như: Bỉ tăng 82%, Tây Ban Nha 35%, Úc 32%, Đức gần 30%. Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 32%, 13% và 9,6% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
Giá xuất khẩu tăng kéo giá nguyên liệu trong nước tăng theo. Tháng 5, giá điều nhân tại Đồng Nai ổn định ở mức 46.000 đồng/kg; tại Bình Phước, giá điều khô mua xô tại Bình Phước ở mức 34.500 đồng/kg, tăng 4.500 đồng/kg so với đầu tháng 5.
Bộ Công thương dự báo: Nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng từ 10-15% trong quý 3/2019. Giá hạt điều nhân loại W320 (từ 300 - 320 hạt/pound - 454 gram) sẽ đạt mức 3,3 - 3,5 USD/pound.
 

Việt Nam nhập điều nhiều nhất từ Campuchia

Trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu điều nguyên liệu đạt 416.000 tấn tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng giá trị nhập khẩu chỉ đạt 663 triệu USD, giảm đến trên 22%. Trước đây, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu điều từ các nước châu Phi, nhất là Bờ Biển Ngà nhưng nguồn nguyên liệu từ khu vực này có nhiều rủi ro về chất lượng và giá cả không ổn định. Thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất trong 4 tháng đầu năm nay của Việt Nam là Campuchia. Nước này cung cấp lượng hàng đến gần 42% thị phần, giá trị nhập khẩu điều của thị trường này cũng tăng 60,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Cơ cấu nguồn điều nguyên liệu nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm nay Nguồn: VINACAS
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cung hạt điều chất lượng, UBND tỉnh Bình Phước đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu Bờ Biển Ngà. Nước này cũng có mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Bình Phước về đẩy mạnh chế biến hạt điều. Bình Phước được mệnh danh là “thủ phủ” điều của cả nước vì giàu kinh nghiệm và có nhiều doanh nghiệp, cơ sở tham gia vào chuỗi sản xuất liên kết xuất khẩu hạt điều. Tuy nhiên, hiện sản lượng điều của Bình Phước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của doanh nghiệp nên hằng năm cần phải nhập khẩu nguyên liệu điều để chế biến.
Ngoài 2 nguồn cung chính nêu trên, thời gian gần đây Việt Nam có thêm các thị trường mới như: Ghana, Nigeria và Cộng hòa Tanzania, Indonesia. Đây sẽ là nguồn bổ sung đáng kể để ngành điều Việt Nam giảm bớt gánh nặng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu. 
Sản xuất và chế biến điều xuất khẩu là thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam, hơn chục năm nay ngành này cũng dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên trong khoảng 2 năm qua gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp cạnh tranh, phá giá lẫn nhau bên cạnh nhu cầu tiêu thụ của thế giới giảm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.