Xuất khẩu gạo diễn biến bất lợi

24/06/2019 20:05 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh thừa nhận như trên trong phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 được tổ chức tại TP.HCM sáng 24.6

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm đã có những diễn biến bất lợi khiến Bộ không ít lần thấy lúng túng. Đặc biệt, các thị trường lớn, thị trường truyền thống của Việt Nam xưa nay như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập gạo từ Việt Nam. Số liệu cho thấy, riêng 3 thị trường này đã giảm đến 83% gạo nhập từ Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, từ nhập 1,44 triệu tấn vào tháng 5.2018, nay cả 3 thị trường chỉ nhập 239.000 tấn tính hết tháng 5 năm nay.
Riêng thị trường Trung Quốc, theo Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập từ Việt Nam 223.078 tấn gạo, trị giá hơn 111 triệu USD, giảm gần 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc từng là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 40% sản lượng, nay còn hơn 8%.
Xuất khẩu gạo sang một số thị trường lớn giảm mạnh Gia Khiêm
Tại Hội nghị, đại diện một số địa phương kiến nghị Bộ Công thương, Chính phủ quan tâm hơn đến việc đàm phán với thị trường Trung Quốc. Bởi thực tế, Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam một phần do tăng các chỉ tiêu hàng rào kỹ thuật. Song phần lớn các đơn hàng của Trung Quốc đang chuyển dần sang hai thị trường Myanmar và Malaysia.
Bà Bùi Thị Thị Thanh Tâm - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin thêm, thực tế không phải xuất khẩu gạo gặp khó mà xuất khẩu nông sản nói chung đang gặp khó do các thị trường lớn đang dựng hàng rào kỹ thuật nhiều hơn.
“Thời kỳ hoàng kim của gạo qua rồi, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân đang tự bươn chải rất khó khăn. Làm ăn kiểu liệu cơm gắp mắm, vay vốn, tính toán từng chút một trong khả năng của mình”, bà Tâm chia sẻ.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, dù đã có những nỗ lực trong thu mua và giữ giá lúa gạo đầu năm cho người trồng lúa, nhưng do chưa có những hợp đồng tập trung khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường nên xuất khẩu gạo còn gặp nhiều khó khăn. Yêu cầu thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm trách nhiệm duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% theo quy định tại Nghị định 107.
Sau 9 tháng thực thi Nghị định 107/2018 về xuất khẩu gạo, đến nay đã có 41 doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng tổng số doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo lên 177. Tuy nhiên, chỉ có 76 doanh nghiệp gửi báo cáo hoạt động xuất khẩu đến Bộ Công thương, 101 doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định có thể bị tước giấy phép xuất khẩu gạo. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý các doanh nghiệp cần kinh doanh trung thực, giữ chữ tín, tránh trường hợp xuất khẩu sản lượng quá năng lực, như trường hợp 2 doanh nghiệp đã bị Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.