Xuất khẩu gạo nhu cầu cao, lợi nhuận còn là ẩn số

22/02/2023 06:17 GMT+7

Chỉ còn 15 ngày nữa, vùng ĐBSCL sẽ bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Xuất khẩu gạo năm nay đặt mục tiêu 7 triệu tấn, tuy nhiên lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của nông dân như thế nào vẫn còn là ẩn số.

XUẤT KHẨU GẠO CHỈ ĐẠT VỀ KIM NGẠCH

Ngày 21.2, Bộ Công thương tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2022, bàn giải pháp tiêu thụ gạo năm 2023. Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu (XK) gạo của VN đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,45 tỉ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá XK gạo bình quân chỉ đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so với mức bình quân năm 2021.

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), chi phí sản xuất lúa gạo trong năm qua tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua lúa, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh XK gạo; trong khi giá gạo chào bán không tăng nhiều. Bên cạnh đó, gạo XK của VN cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung giá rẻ khác như Ấn Độ, Pakistan.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, Chủ tịch VFA, nhận xét: "Chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất tăng cao, nên giá bán cao hơn nhưng nếu xét về hiệu quả mang lại cho DN và nông dân thì phải nói là đều chưa tương xứng, thậm chí có tính toán lại bị lỗ. Hiện nay mức giá thành mà Bộ Tài chính đưa ra là chưa chính xác và chưa phù hợp với thực tế, từ đó thống kê sai về lợi nhuận của nông dân và DN".

Xuất khẩu gạo nhu cầu cao, lợi nhuận còn là ẩn số - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo ở ĐBSCL

CÔNG HÂN

Năm 2023, theo cân đối của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng lượng gạo hàng hóa dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,124 triệu tấn, trong đó XK gạo tháng 1 là 390.000 tấn. Như vậy, lượng gạo hàng hóa còn lại cần tiêu thụ 5 tháng là 3,73 triệu tấn gạo, chưa kể lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ và lượng lúa từ Campuchia chảy về VN. Thời điểm lượng gạo hàng hóa cần tập trung XK trong 6 tháng đầu năm là tháng 2 đến tháng 4.

Dự báo hoạt động XK gạo năm 2023 của VN được hỗ trợ bởi các yếu tố: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán tại các nước châu Mỹ, châu Âu đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt; Ấn Độ áp dụng lệnh cấm XK gạo tấm và áp dụng thuế suất 20% với chủng loại gạo trắng; các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh… quay trở lại; Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2022.

KHÓ KHĂN LỚN NHẤT LÀ THIẾU VỐN

Tại hội nghị, vấn đề tín dụng, vốn vay là nỗi lo lớn nhất của DN. Theo các ý kiến, ngành lúa gạo cần nguồn vốn rất lớn, nếu bị đứt quãng sẽ rất khó để thực hiện các hợp đồng đã ký, thậm chí khiến cho DN thua lỗ.

Thực tế mấy ngày gần đây DN mua gạo rất khó khăn, thậm chí không có gạo để xuất. Nếu nói về nhu cầu thì chúng tôi rất lạc quan, có thể nói mấy năm gần đây ngành lúa gạo không cần giải cứu. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay vẫn là tài chính và vốn. DN không đủ vốn để thu mua gạo nên cũng khó khăn trong việc thực hiện các hợp đồng đã ký.

Đại diện Công ty Phương Đông (Tổng công ty Lương thực miền Bắc)

Đại diện Công ty Phương Đông (Tổng công ty Lương thực miền Bắc) nhận xét: "Thị trường Philippines đang rất thông thoáng, nhu cầu gạo thơm ở các nước đều tăng. Thực tế mấy ngày gần đây DN mua gạo rất khó khăn, thậm chí không có gạo để xuất. Nếu nói về nhu cầu thì chúng tôi rất lạc quan, có thể nói mấy năm gần đây ngành lúa gạo không cần giải cứu. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay vẫn là tài chính và vốn. DN không đủ vốn để thu mua gạo nên cũng khó khăn trong việc thực hiện các hợp đồng đã ký".

Về vấn đề này, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết: "Trong các buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, họ đều khẳng định ngành lúa gạo là mặt hàng được ưu tiên hàng đầu để cấp vốn. Đối với các kiến nghị của DN, chúng tôi sẽ tổng hợp để tiếp tục có những đề xuất với ngân hàng. Về phía thị trường tiêu thụ, các báo cáo đều cho thấy khá lạc quan. Trong đó thị trường Trung Quốc rất quan trọng, hiện nay Bộ Công thương cũng khuyến khích dần chuyển sang XK chính ngạch để tránh biến động về giá, đồng thời đảm bảo sự ổn định đối với các thị trường khác. Các DN cần chuẩn bị để một khi Trung Quốc hút hàng thì khi đó nhu cầu sẽ rất lớn".

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, thông tin: "Thị trường Philippines mặc dù đang tiêu thụ rất lớn gạo VN, tuy nhiên các nước khác lại đang nhăm nhe cạnh tranh tại thị trường này. Cả Thái Lan và Campuchia đã công bố sẵn sàng cung ứng gạo cho Philippines, đây có thể là rủi ro đe dọa giảm sút thị phần, kim ngạch của VN là rất lớn. Thị trường Trung Quốc trước năm 2018 cũng tiêu thụ 30 - 40% sản lượng gạo VN, nhưng gần đây kiểm soát chặt hơn, ngoài số lượng 21 DN đã được cấp phép XK, họ không tăng, thậm chí còn có ý định giảm, và còn hậu kiểm nữa. Từ đó cho thấy thị trường Trung Quốc có tiềm năng nhưng còn nhiều vấn đề rủi ro, ẩn số. Đối với thị trường châu Âu, chúng ta đang XK được hưởng ưu đãi hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn, nhiều giống lúa được phía VN đàm phán thì hiện nay dân không còn sản xuất nữa, đề nghị thay đổi hàng năm để cập nhật phù hợp".

Theo báo cáo của VFA, trong tháng 2, giá lúa đã tăng từ 100 - 200 đồng/kg và gạo tăng từ 200 - 400 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 1. Giá lúa gạo trong nước tăng trong thời gian qua là do vụ đông xuân mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, sản lượng chưa nhiều, gạo được thu mua ngay sau khi thu hoạch; nhu cầu tăng từ khi thông tin Trung Quốc giao thương bình thường trở lại sau dịch Covid-19; Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo, trong tháng 1 đã nhập khẩu 85.925 tấn gạo từ VN trong khi cùng kỳ năm trước nước này không nhập khẩu. Bên cạnh đó, tín hiệu thị trường thế giới tương đối khả quan khi nhu cầu nhập khẩu của các nước gia tăng dự trữ trong bối cảnh lạm phát tăng, xung đột địa chính trị giữa các nước và giữa Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Theo khảo sát, các thương nhân XK gạo đang chuẩn bị kho, phương tiện, thiết bị chế biến, nguồn vốn để tổ chức thu mua lúa vụ đông xuân khi vào giai đoạn thu hoạch rộ cuối tháng 2, tháng 3 và tháng 4. 

Vì sao khó liên kết DN với nông dân ?

Tại tỉnh Đồng Tháp, diện tích lúa có liên kết hợp tác bao tiêu chỉ đạt khoảng 18%, đa phần lúa gạo tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào hệ thống thương lái. Tại Long An, chỉ có 11/25 DN có liên kết với nông dân và diện tích cũng chỉ vào khoảng 11.000 ha. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại khó liên kết? Tại cuộc họp, đại diện một số DN cho rằng ngành lúa gạo lợi nhuận thấp, rủi ro biến động thị trường rất cao. "Chúng tôi đã làm rồi, nhưng không thể làm được, nếu cố gắng gồng gánh thì có thể chỉ 1 - 2 năm sau là phá sản, vì thị trường biến động, không ai chắc chắn làm ra sản phẩm sẽ bán có lãi", đại diện một DN XK gạo cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.