Chiều 28.9, Bộ NN-PTNT đã thông tin về tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tháng 9 và 9 tháng đầu năm, trong đó xuất khẩu gạo, rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể trong tháng 9, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 4,8 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu nông sản 2,45 tỉ USD, tăng 46,9%; chăn nuôi 45,3 triệu USD, tăng 32,6%; lâm sản 1,28 tỉ USD, tăng 7,3%; thủy sản 850 triệu USD, giảm 0,8%.
Tuy nhiên do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng giảm sâu nên tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của ngành nông nghiệp ước đạt 38,48 tỉ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm giảm nhiều nhất là thủy sản với giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt 6,64 tỉ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỉ USD, giảm 20,6%.
Nhóm nông sản và chăn nuôi có tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2022. Cụ thể ở nhóm nông sản, đóng góp lớn nhất là xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỉ USD, tăng 71,8%; xuất khẩu gạo đạt 3,66 tỉ USD, tăng 40,4%.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhận định từ nay đến hết năm 2023, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng mạnh. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn lượng rau quả từ Việt Nam để tiêu thụ trong các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, cuối năm cũng là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn.
Ông Hoàng Phúc Nguyên cũng cho biết đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng giá trị ngành hàng rau quả những tháng cuối năm vẫn là sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam đang "một mình một chợ" ở Trung Quốc khi nguồn cung từ Thái Lan, Malaysia... không còn nhiều do hết vụ thu hoạch.
"Xuất khẩu rau quả năm nay chắc chắn sẽ thiết lập kỷ lục mới với giá trị đạt trên 5 tỉ USD, thậm chí có thể lên tới 5,5 tỉ USD", ông Nguyên nói.
Thông tin về tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Công thương cho biết, gạo Việt Nam đang được xuất khẩu nhiều nhất đến các thị trường trong Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP). 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo vào RCEP đạt 4,24 triệu tấn, trị giá 2,25 tỉ USD, tăng 31,4% về lượng, tăng 46,3% trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu rau quả vượt kim ngạch cả năm 2022
Trong các thị trường thuộc RCEP, Philippines, Trung Quốc, Indonesia đang là 3 đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Cũng theo Bộ Công thương, điểm sáng nhất trong thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam là Chile. Trong tháng 8 đầu năm, Chile đã nhập khẩu 7.123 tấn gạo của Việt Nam, trị giá 3,3 triệu USD, tăng 4.114% về lượng và tăng hơn 2.708% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Diễn biến này cho thấy, các quốc gia ở Nam Mỹ, trong đó có Chile đang có nhu cầu lớn về nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Bộ Công thương cũng khuyến cáo, trong bối cảnh diễn biến giá gạo, xuất khẩu gạo biến động mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký với đối tác để giữ uy tín; chủ động xúc tiến thương mại, mở thêm những thị trường mới, nhiều tiềm năng cho gạo Việt Nam.
Đặc biệt, các doanh nghiệp chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường gạo toàn cầu; tìm hiểu, xác minh thật kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, thận trọng trong giao, nhận và thanh toán cho các lô hàng để tránh bị lừa đảo như đã xảy ra đối với một số ngành hàng xuất khẩu vừa qua.
Bình luận (0)