Năm đại thành công của ngành lúa gạo
Ngày 29.2, Bộ Công thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2, đánh giá tình hình xuất khẩu gạo, định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024.
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gạo năm 2023 đạt sản lượng trên 8,1 triệu tấn, trị giá 4,6 tỉ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn. So với năm 2022, xuất khẩu gạo tăng 14,4% về số lượng và tăng 35,3% về giá trị, giá bình quân tăng 88,8 USD/tấn.
Dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng 2023 vẫn là "năm đại thành công" khi giá trị xuất khẩu đạt mức cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo, tính từ năm 1989, khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo.
Hiện nay, Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Gạo Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang các thị trường Philippines, Indonesia và Trung Quốc.
Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines, cho biết gạo Việt Nam chiếm số 1 ở thị trường Philippines với 85% thị phần. Gạo Thái Lan chiếm 10% thị phần và phần còn lại thuộc về Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Thành cho rằng, việc nắm giữ vị thế số 1 xuất khẩu gạo ở Philippines giúp gạo Việt Nam đang có nhiều lợi thế. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo ở Philippines, tạo được uy tín, lòng tin với các bạn hàng.
Gạo Việt Nam có chất lượng, giá cả cạnh tranh và phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng; đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines. Cạnh đó, Việt Nam có nguồn cung gạo ổn định cả về số lượng, giá và đang tận dụng được ưu thế trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia.
Nhận định Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam, ông Thành đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải đảm bảo giữ được vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường này. Hiện, theo ông Thành, Thái Lan đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.
Ông Thành khuyến cáo các doanh nghiệp cần đa dạng sản phẩm gạo xuất khẩu, bên cạnh việc tập trung vào dòng sản phẩm cao cấp phục vụ cho người có thu nhập cao. Đồng thời, các doanh nghiệp cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.
Indonesia vẫn đang thiếu gạo, sẽ sớm mở thầu mua thêm
Chia sẻ những thông tin quan trọng ở thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia, cho biết nước này đã trải qua 8 tháng thiếu gạo do sản lượng trong nước bị thiếu hụt, không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Những ngày gần đây, Indonesia đã xuất hiện khan hiếm gạo ở các siêu thị. Giá bán lẻ đối với gạo chất lượng cao lên tới 1,16 USD/kg, trong khi giá trần là 0,9 USD/kg. Bộ Thương mại Indonesia đã đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của Chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao. Trong bối cảnh mùa thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramdan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu vào giữa tháng 3, nhu cầu lương thực sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia cũng dự báo, sau đợt mở thầu mua 500.000 tấn gạo ngày 17.1 (các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn), Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường này, đồng thời tận dụng, tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang Indonesia ngay trong những tháng đầu năm.
Ông Phạm Thế Cường cũng nhận định, trong năm nay gạo Việt Nam tiếp tục có chỗ đứng ở Indonesia nhưng nước này đã có chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo trong nước, duy trì chính sách quản lý nhập khẩu chặt chẽ đối với mặt hàng lúa gạo sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu có xu hướng sụt giảm.
Ngoài ra, gạo Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo Thái Lan ở phân khúc chất lượng cao và thương hiệu gạo Thái Lan đang có độ nhận diện tốt hơn so với thương hiệu gạo Việt Nam.
Do đó, ông Phạm Thế Cường khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần quan tâm, đầu tư vào xây dựng thương hiệu, có chiến lược quảng bá bài bản trên nhiều kênh khác nhau về thương hiệu, các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đang bán ở thị trường Indonesia.
Bình luận (0)