Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi
Sản phẩm đang tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do (FTA) là mặt hàng gạo. Theo cam kết từ Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA), EU sẽ dành cho VN hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.
Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp VN có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào thị trường các thành viên EU mỗi năm. Hiệp hội Lương thực VN cho biết năm 2021, VN vẫn chưa sử dụng hết hạn ngạch ưu đãi thuế quan nói trên khi chỉ xuất khẩu được khoảng 64.000 tấn, trị giá gần 19 triệu USD. Tuy nhiên, qua năm 2022 tín hiệu khả quan đã xuất hiện và đến năm 2023 thì tăng vọt, số lượng đơn hàng vào EU còn vượt xa hạn ngạch thuế quan ưu đãi.
Có thể kể đến như Tập đoàn Lộc Trời, năm 2022, xuất khẩu gạo tăng hơn 200% vào EU, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. Ngay từ tháng 10.2022, Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU vào năm 2023 và vẫn đang tiếp tục thực hiện rất tốt đơn hàng này.
Hoặc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng đã mở văn phòng đại diện tại Hamburg (Đức) để các khách hàng EU dễ dàng tiếp cận sản phẩm gạo. Hiện tại, mới chỉ có VN và Singapore ký hiệp định thương mại tự do với EU nhưng Singapore không có lợi thế về gạo. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu của VN vào EU vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ khác như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ nhờ EVFTA. Ưu thế của gạo Việt tại thị trường này vì thế càng lớn.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan tổng kết sau gần 3 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu từ VN sang EU đã có sự tăng trưởng nhất định, với mức 14,2% năm 2021 và 16,7% năm 2022. Còn kết quả khảo sát về EVFTA do Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI) công bố trước đó cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp (DN) VN từng được hưởng lợi từ EVFTA là rất khả quan, với gần 41% DN cho biết đã từng được hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA. Trong đó, lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận… VCCI nhận định hiện tại các thị trường đã ký kết FTA vẫn còn nhiều rào cản, nhất là về tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, về lâu dài thì các FTA vẫn sẽ phát huy tác dụng khi kinh tế khởi sắc và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường hồi phục.
Chưa như kỳ vọng
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công thương nhận định VN hiện nay đã ký và thực thi nhiều FTA thế hệ mới, hiệp định thương mại tự do với đối tác đầu tiên tại Tây Á là Israel cũng được ký, đem lại cơ hội giảm tới 92% dòng thuế cho hàng hóa VN sang nước này. Tuy nhiên, hàng nông sản VN vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Nguyên nhân chính vẫn là do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tiếp theo sau đó là chiến sự Ukraine-Nga khiến các nước bước vào suy thoái kinh tế, phải thắt chặt chi tiêu, hàng loạt mặt hàng chủ lực của VN như thủy sản, đồ gỗ, hạt điều, cao su…đang lâm vào tình cảnh khó khăn vì lạm phát.
Đó là thực trạng hiện nay. Những ngày giữa tháng 8, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO chuỗi thương hiệu cà phê trái cây Meet More, đang tất bật chuẩn bị cho chuyến hàng xuất khẩu sang…châu Phi. Nói về việc tận dụng cơ hội từ các FTA, ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết: "Những ưu đãi về việc giảm thuế, mở cửa cho nhiều mặt hàng nhập khẩu đã giúp cho các DN VN có cơ hội nhiều hơn để gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, các thị trường lớn đều gặp khó khăn trong năm nay do tình hình suy thoái ảnh hưởng bởi chiến sự kéo dài. Bản thân DN chúng tôi cũng bị ảnh hưởng khi sức mua giảm mạnh từ Mỹ, Úc, Nga cho đến châu Âu. Hiện nay chúng tôi đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu sang châu Phi để mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, nhưng khó có thể bù đắp được sự sụt giảm từ các thị trường khác".
Tình hình cũng tương tự với mặt hàng rau quả của VN ở thị trường EU. Hiệp định EVFTA giúp VN được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10 - 20%), tạo lợi thế cạnh tranh so với Thái Lan và Trung Quốc. Đại diện Hiệp hội Rau quả VN cũng khẳng định cơ hội cho trái cây và rau VN tại thị trường châu Âu rất lớn vì quy mô thị trường lên đến 62 tỉ euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Tuy nhiên, năm nay xuất khẩu rau quả tăng trưởng chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của Trung Quốc còn những nước đã ký kết FTA đều tăng trưởng thấp. "Các hiệp định thương mại giúp cho thuế suất nhập khẩu được cắt giảm, nhưng không thể kích cầu tiêu dùng khi thị trường giảm mua. Một khi khách hàng không mua thì việc giảm thuế cũng chưa phát huy được tác dụng", ông Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ.
Để tận dụng lợi thế các FTA đem lại, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ xem xét dành nguồn vốn riêng để hỗ trợ DN khai thác hiệu quả hơn các hiệp định này. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành làm việc với các ngân hàng thương mại để có nguồn tín dụng phù hợp, lãi suất ưu đãi hỗ trợ DN muốn nâng cao năng lực sản xuất. Song song đó, bản thân DN cũng cần tăng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xanh, nhằm kịp thời đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu.
Bộ Công thương cho biết sẽ cùng các địa phương thí điểm xây dựng hệ sinh thái, trước tiên 1 - 2 lĩnh vực, ngành hàng tại mỗi tỉnh, để tận dụng cơ hội từ các FTA. Bộ cũng đề nghị Chính phủ có chính sách tổng thể, tạo điều kiện để DN tiếp cận, sử dụng nguồn nguyên liệu "nội khối", đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng hiệp định thương mại.
Bún, phở tăng theo giá gạo: Nhiều chủ quán 'nhấp nhổm' vì phải cầm cự giữ giá
Năm 2022, kim ngạch thương mại với các nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng hơn 14% so với 2021, đạt 104,5 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu của VN sang các nước thành viên CPTPP ghi nhận mức tăng tích cực, như Canada hơn 20%, Brunei 163%.
Với EVFTA, năm ngoái, thương mại giữa VN và các nước khu vực EU đạt hơn 62,2 tỉ USD, tăng trên 9% so với 2021. Các nước EU nhập gần 47 tỉ USD hàng VN trong năm ngoái, tăng gần 17% so với một năm trước đó. Riêng với Anh, năm 2022, VN xuất siêu hơn 5,3 tỉ USD sang nước này sau hơn một năm hiệp định UKVFTA có hiệu lực. Số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trong cùng thời gian trên, giá trị xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vào thị trường này giảm 28,9%, thủy hải sản giảm 27,9%, giày dép giảm 15,4%, dệt may giảm 9,3%…
Bình luận (0)