Ngày 14.2, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị "Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới".
Mỗi ngày có khoảng 1.000 xe thông quan qua các cửa khẩu Lạng Sơn
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, thông báo: Từ 8.1.2023, phía Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu được điều chỉnh, khôi phục. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, ga Đồng Đăng), các cửa khẩu phụ còn lại chưa được khôi phục hoạt động. Hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh cơ bản được thông quan trong ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tháng 1.2023 đạt 250 triệu USD, đạt 6,6% kế hoạch, tăng 108,3% so với cùng kỳ; cụ thể, xuất khẩu đạt 100 triệu USD, nhập khẩu đạt 150 triệu USD. Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1.2023 trung bình đạt 900 - 1.000 xe/ngày, trong đó có 400 - 450 xe xuất/ngày và 500 - 550 xe nhập/ngày.
Cũng theo ông Thiệu, trong tháng 1.2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản qua địa bàn tỉnh đạt 37,5 triệu USD. Một số mặt hàng chủ lực như thanh long đạt 20.000 tấn (trị giá 6,5 triệu USD); mít đạt 30.000 tấn (12 triệu USD); xoài đạt 12.000 tấn (5,3 triệu USD); dưa hấu đạt 10.000 tấn (3,5 triệu USD); tinh bột sắn đạt 30.000 tấn (10,2 triệu USD)...
Trung Quốc muốn nhập khẩu chính ngạch
Các đại biểu đều cho rằng, tiềm năng thị trường Trung Quốc còn rất lớn và các doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung đầu tư phát triển. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy về thị trường này.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng trên 45%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90%, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%. Trong khoảng 5 năm qua, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thị trường này đã có nhiều thay đổi - từ dễ tính sang khó tính. Tuy nhiên, thực tế vì nhiều lý do khác nhau, một số loại nông sản vẫn còn vào thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Thực tế 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. "Trong các cuộc làm việc với phía Trung Quốc, họ cũng cho biết muốn tăng cường nhập khẩu hàng hóa bằng đường chính ngạch để dễ quản lý về chất lượng. Họ là khách hàng lớn, lại có nhiều tiền; ở góc độ là người bán hàng chúng ta phải phục vụ tốt nhất nhu cầu của họ", ông Sơn nói.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng: "Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khoảng 70% nông sản của Việt Nam. Trong một số giai đoạn, thương nhân vẫn còn tư duy buôn chuyến để kiếm lời. Tuy nhiên, với một đối tác truyền thống quan trọng như thị trường Trung Quốc, chúng ta - mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một tầm nhìn chiến lược mới phù hợp với bối cảnh hiện tại. Từ đó trở thành những đối tác tin cậy, bền vững trong thương mại giữa 2 phía. Mỗi người không chỉ là một thương nhân làm ăn kiếm lời mà còn là một đại diện cho con người và đất nước Việt Nam trong hợp tác giao thương với phía bạn".
Ông Hoan cũng cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công thương hợp tác với các cơ quan Trung Quốc xây dựng các khung pháp lý để tăng cường hợp tác thương mại thương mại giữa hai nước theo định hướng của các lãnh đạo cấp cao.
Bình luận (0)