'Xuất khẩu' nhạc Việt, bao giờ?

Thu Thủy
Thu Thủy
01/04/2025 05:30 GMT+7

Trong vài năm trở lại đây, nhạc Việt ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi liên tiếp xuất hiện những sản phẩm có sức lan tỏa lớn trên thị trường quốc tế. Nhưng để "xuất khẩu" nhạc Việt, có thể trông chờ vào vài hiện tượng nhất thời này?

Thành công gần đây của các sản phẩm như "Bắc Bling", "Tái sinh" hay "See tình" phần nào cho thấy sức hấp dẫn khi nghệ sĩ Việt biết cách pha trộn giữa âm nhạc hiện đại và bản sắc dân tộc. Những yếu tố như âm hưởng dân gian, những giá trị văn hóa truyền thống được lồng ghép vào sản phẩm mang tinh thần đương đại đang chứng minh sức hút với khán giả trong nước lẫn quốc tế. Đó là cách nhạc Việt tạo ra sự khác biệt giữa thị trường âm nhạc đang ngày một bão hòa bởi các trào lưu "na ná" nhau.

Cùng với đó, các đêm nhạc lớn được tổ chức tại nước ngoài, ở những sân khấu tầm cỡ như: Nhà hát Esplanade, Opera Sydney hay sắp tới là Dolby Theatre (Mỹ) của ca sĩ Hà Anh Tuấn cho thấy nghệ sĩ Việt không còn bó hẹp trong "ao làng" mà đã bắt đầu nghĩ lớn, làm lớn.

Tuy nhiên, phần lớn những sản phẩm được diễn ở nước ngoài vẫn mang màu sắc giao lưu văn hóa hoặc phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, âm nhạc Việt thiếu sự đầu tư dài hạn và định hướng chiến lược bài bản. Và không thể "xuất khẩu" nếu chỉ trông chờ vào một ca khúc viral. Nghệ sĩ muốn trụ lại ở thị trường quốc tế cần nhiều hơn một bản hit - đó là phong cách âm nhạc nhất quán, là thương hiệu cá nhân rõ nét và đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp... Rào cản ngôn ngữ cũng là một trong những thách thức. Trong khi tiếng Việt là lợi thế về bản sắc, nhưng lại là điểm hạn chế khi mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự thiếu gắn kết trong ngành công nghiệp âm nhạc - từ sản xuất, quảng bá đến phát hành, cũng khiến hành trình "xuất khẩu" của nhạc Việt gặp khó.

Có thể thấy, nhạc Việt đang đi đúng hướng vì biết tận dụng bản sắc văn hóa dân tộc, chủ động tiếp cận thị trường và có sản phẩm chất lượng. Nhưng từ những tín hiệu tích cực đến một dòng chảy mạnh mẽ đủ sức chen chân vào thị trường âm nhạc quốc tế, vẫn còn là quãng đường dài. "Xuất khẩu" âm nhạc không chỉ cần nghệ sĩ giỏi, mà cần cả một "hệ sinh thái" vận hành đồng bộ, dài hơi và chuyên nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.