Kim ngạch xuất khẩu tăng, kéo theo các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm cũng tăng đến mức báo động. Chính vì vậy, ngày 24.8, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp tổ chức hội nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Nhiều kỷ lục được thiết lập
Với tốc độ tăng trưởng vài chục phần trăm mỗi tháng như hiện nay, nhiều người tin tưởng cả năm 2023 ngành rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỉ USD. "Khả năng 80 - 90% sẽ đạt được con số này", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả VN (Vinafruit), lạc quan.
Nhìn lại từ đầu năm tới nay, ngành rau quả đạt nhiều thành tích ấn tượng. Cụ thể, lần đầu tiên có tháng đạt kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt mức 500 triệu USD. Đó là tháng 5 đạt 656 triệu USD và kỷ lục là tháng 6 đạt 723 triệu USD. Với sầu riêng, trong tháng 6, xuất khẩu mặt hàng này đạt kỷ lục 375 triệu USD. Con số này rất có thể bị phá vỡ trong tháng 9 tới, khi đa số nguồn cung không còn, nên giá sầu riêng của VN có thể tăng đáng kể. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đạt khoảng 900 triệu USD và dự kiến cả năm đạt ít nhất 1,5 tỉ USD. Chỉ trong năm đầu tiên xuất khẩu, sầu riêng đã trở thành mặt hàng tỉ USD.
Ngoại trừ thanh long từ loại cây xuất khẩu đạt tỉ USD giảm xuống còn vài trăm triệu USD, những mặt hàng khác như: chuối, mít, xoài, dừa, dưa hấu… cũng tăng trưởng mạnh, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023. Đáng nói, gần đây xuất khẩu mít vào Trung Quốc cũng thuận lợi và giá tăng gấp đôi so với năm 2022.
Bên cạnh đó, hiện VN và Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình ký nghị định thư về xuất khẩu quả dừa tươi. Ở thị trường Trung Quốc, dừa tươi Thái Lan vẫn chiếm lĩnh thị trường với giá trị xuất khẩu nửa đầu năm 2023 lên đến trên 200 triệu USD. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường của mặt hàng này là rất lớn.
"Sầu riêng, mít hay dừa tươi đều là những mặt hàng trái cây nhiệt đới. Trung Quốc chưa trồng được hoặc trồng được nhưng chất lượng không đạt nên tiềm năng và cơ hội để chúng ta khai thác rất lớn và tăng giá trị xuất khẩu trong những năm tiếp theo", ông Nguyên nhận định.
Việt Nam sẵn sàng xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban quản lý khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), cho biết: Từ tháng 1 - 8.2023, lượng hàng hóa nông sản của VN xuất khẩu đi Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn lên đến 1,2 tỉ USD. Những năm qua, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng hàng nông sản xuất khẩu của VN, đặc biệt là hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên hàng trái cây. Hiện nay Trung Quốc vẫn thực hiện kiểm hóa 100% đối với hàng nông sản, hoa quả nhập khẩu từ VN. Trong quá trình kiểm hóa, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, Trung Quốc xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về VN, thậm chí còn ra quyết định dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài, như tiền lệ đã xảy ra với quả ớt của VN.
Vẫn còn tình trạng gian lận mã số vùng trồng
Bên cạnh đó, có nhiều quốc gia cung cấp rau quả nhiệt đới cho Trung Quốc ngoài VN. Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng và thị phần ở Trung Quốc cần phải tuân thủ yêu cầu của thị trường này.
Thực tế trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng rau quả tại Lạng Sơn thời gian qua, có trường hợp giả mạo mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. "Các tỉnh, thành phố có hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ phải quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng để tránh bị gian lận; tăng cường giám sát, quản lý các vùng trồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm; thu hái, đóng gói, bảo quản, vận chuyển nông sản xuất khẩu phải tuân thủ đúng quy định, yêu cầu của thị trường nhập khẩu", ông Khánh Duy khuyến cáo.
Sắp có nghị định xử phạt vi phạm mã số hàng hóa
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết: Tính từ tháng 1 - 7.2023, các nước nhập khẩu nông sản của VN phát hiện 370 lô hàng (chuối, xoài, thanh long, mít, sầu riêng...) ở 13 tỉnh, thành phố khu vực phía nam có vi phạm về kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, từ năm 2021 đến tháng 7.2023, Cục Bảo vệ thực vật nhận được 107 cảnh báo về các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Các vi phạm chủ yếu là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng quy định cho phép; sản phẩm biến đổi gien, có nấm mốc, vi khuẩn, kim loại nặng; sản phẩm có chất gây dị ứng, sử dụng chất tạo màu không cho phép.
Để tăng cường quản lý chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, Bộ NN-PTNT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định, một nghị định quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu; một nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang hướng dẫn Bộ NN-PTNT triển khai xây dựng và sớm trình Chính phủ dự thảo 2 nghị định này. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Trồng trọt làm đầu mối xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với từng mặt hàng rau quả, trái cây.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho rằng xuất khẩu nông sản vẫn còn đối mặt với nhiều tồn tại, thách thức, bởi các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Căn nguyên của vấn đề chính là việc kiểm soát tại gốc từ vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt theo yêu cầu của các nước nhập khẩu; vẫn còn hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng; tình trạng thu hái, xuất khẩu sản phẩm không đạt chất lượng vẫn diễn ra.
"Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ áp dụng các biện pháp mạnh siết chặt quản lý. Các lô hàng nếu đưa lên cửa khẩu, hệ thống kiểm dịch thực vật phát hiện vi phạm thì lập tức trả về địa phương, tạm dừng việc khai thác sử dụng mã số đó. Đối với các mã số vi phạm, chỉ khi nào khắc phục xong các vi phạm thì chủ sở hữu mã số mới được phép xuất khẩu trở lại", ông Trung khẳng định.
Bình luận (0)