Xuất khẩu 'sốc' theo giá cước tàu

10/01/2024 04:14 GMT+7

Hàng loạt hãng tàu nước ngoài phát thông báo tăng cước vận tải biển do ảnh hưởng xung đột tại khu vực biển Đỏ khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiếp tục đối mặt với khó khăn chưa dứt.

Cước vận tải biển tăng từ 50 - 200%

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP): Xuất khẩu thủy sản của VN sẽ thêm nhiều khó khăn khi cước tàu biển bắt đầu tăng mạnh. Hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí từ tháng 1.2024 do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực biển Đỏ.

Xuất khẩu 'sốc' theo giá cước tàu- Ảnh 1.

Cước vận tải biển tăng cao là thách thức lớn cho doanh nghiệp (Ảnh: Cảng Tân Vũ - Hải Phòng)

Ngọc Thắng

Theo các doanh nghiệp (DN), bắt đầu từ tháng 1.2024, cước vận chuyển từ VN đến cảng Los Angeles (bờ tây của Mỹ) tăng 800 - 1.250 USD, tùy tuyến. Cụ thể, tháng 12.2023, giá cước ở mức 1.850 USD nay tăng lên 2.873 - 2.950 USD. Cước từ VN đến New York (bờ đông của Mỹ) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 - 1.750 USD, tùy tuyến. Cụ thể, tháng 12.2023 giá ở mức 2.600 USD tăng lên 4.100 - 4.500 USD.

Cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh, cụ thể đi Hamburg (Đức) tháng 12.2023 là 1.200 - 1.300 USD, thì sang đầu năm nay tăng lên 4.350 - 4.450 USD, tăng hơn gấp đôi.

Có 80% lượng hàng hóa đi bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do xung đột Hamas - Israel, lực lượng chính trị - quân sự Houthi ở Yemen tấn công các tàu bị cho là liên quan Israel khi đi vào biển Đỏ. Vì thế, các hãng tàu phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7 - 10 ngày, dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn (vòng quay 1 chuyến tàu mất khoảng 2 tuần). Một số tuyến vận tải phải cắt bỏ chuyến hàng hằng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.

"Cước tàu biển tăng sẽ là thách thức mới cho DN thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của DN", VASEP cho hay.

Xuất khẩu 'sốc' theo giá cước tàu- Ảnh 2.

Cước vận tải biển tăng cao là thách thức lớn cho DN

Đào Ngọc Thạch

Không chỉ thủy sản, xuất khẩu dệt may, nông sản, gỗ là những ngành đang gánh chịu tác động nặng nề của cước tàu biển tăng.

Ngày 9.1, đại diện Công ty TNHH may mặc Dony cho biết lô hàng áo quần của công ty xuất khẩu sang Jordan, bị neo tại cảng Singapore đã gần 3 tuần vì cảng phía khách hàng vẫn chưa tiếp nhận được hàng. "Hãng tàu định lại tuyến khác nên chậm từ 10 - 14 ngày. Ngay từ đầu năm mới, DN làm hàng xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn vì cước vận tải tăng đột ngột mà không trở tay kịp", ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony, thông tin.

Phúc Sinh Group, một trong những DN xuất khẩu nông sản hàng đầu VN với nhiều mặt hàng như cà phê, hồ tiêu và các mặt hàng gia vị, thông tin trung bình mỗi ngày, Phúc Sinh xuất khẩu 5 - 10 container hàng hóa. Tuy nhiên, từ khi xảy ra căng thẳng ở biển Đỏ, cước tàu biển tăng quá nhanh khiến hoạt động xuất khẩu của DN này đình trệ, giảm mạnh. Đại diện công ty thông báo, hiện cước tàu biển từ VN đến khu vực Trung Đông, cụ thể là Israel tăng hơn 200%, từ 1.800 lên 6.000 - 7.000 USD/container; hàng đi Mỹ tăng hơn 100% từ gần 2.000 lên 4.500 - 5.000 USD/container. Đáng kể nhất là hàng hóa đi thị trường EU tăng mạnh từ mức 600 lên 4.000 USD/container.

DN xuất khẩu khó chồng khó

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, nhận xét: "Cước tàu tăng "điên loạn", đã kéo dài hơn 1 tháng nay, chủ yếu là do các hãng tàu muốn tranh thủ cơ hội. Một DN có tiềm lực như Phúc Sinh còn đang phải chới với vì cước thế này thì chắc chắn các DN nhỏ hơn sẽ rất khó khăn". Giá cà phê nguyên liệu đã tăng cao, nay cước phí cũng tăng mạnh, nên không biết thị trường sẽ chấp nhận được bao lâu.

Xuất khẩu 'sốc' theo giá cước tàu- Ảnh 3.

Các ngành xuất khẩu nông thủy sản vốn thuận lợi nay đang gặp nhiều khó khăn vì cước vận chuyển tăng

Đào Ngọc Thạch

"Hiện tại, chúng tôi phải tạm dừng xuất khẩu và thảo luận lại hợp đồng với các đối tác theo hướng chia sẻ rủi ro và chi phí theo hướng mỗi bên gánh 50%. Dù là khó khăn khách quan nhưng tình hình đang rất khó khăn với hoạt động xuất khẩu nông sản của DN", ông Thông nói.

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển sản xuất - thương mại Sadaco TP.HCM, hiện đã qua mùa cao điểm tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ. Các đơn hàng mới cho quý 1/2024 chỉ chiếm 20 - 30% so với trung bình các năm trước. Số lượng đơn hàng khá thấp, chủ yếu để thăm dò thị trường. Tuy vậy, yêu cầu của khách là cần có mẫu mã mới, chất lượng tốt và giá cạnh tranh hơn. Các DN trong lĩnh vực này đang phải xoay xở mọi cách nhằm tiết giảm chi phí để tồn tại và "gồng mình" để không bị loại khỏi cuộc chơi.

Ông Mạnh lo lắng nói: "Việc cước tàu tăng như thời gian qua như một đòn mạnh đánh thẳng vào nỗ lực tồn tại của DN. Cước hiện chỉ tăng một số tuyến, nhưng chúng tôi lo lắng sự cố này sẽ tạo thành hiệu ứng domino lên tất cả các chuyến khác cũng như cả ngành logistics. Nhiều DN không biết có thể tiếp tục "gồng mình" được đến khi nào!".

Tương tự, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng), quan ngại thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu của DN và đây cũng là khu vực cước tàu biển tăng cao nhất. Nó như một "đòn bồi thêm" vào những khó khăn về thị trường mà các DN ngành thủy sản đang phải đối mặt. "Ngoài việc tăng cước phí thì thời gian vận chuyển hàng hóa cũng tốn nhiều hơn từ 7 - 10 ngày. Điều này làm đảo lộn các kế hoạch giao nhận hàng và sản xuất của chúng tôi cũng như các đối tác", ông Lĩnh lo lắng.

Ngoài việc tăng cước phí thì thời gian vận chuyển hàng hóa cũng tốn nhiều hơn từ 7 - 10 ngày. Điều này làm đảo lộn các kế hoạch giao nhận hàng và sản xuất của chúng tôi cũng như các đối tác.

Ông Trần Văn Lĩnh (Chủ tịch HĐQT thủy sản Thuận Phước)

Không những vậy, các thị trường tiêu thụ lớn vẫn chưa thật sự khởi sắc. Người tiêu dùng tại khu vực EU tiếp tục hạn chế chi tiêu nên sức mua vẫn duy trì mức thấp. Còn thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ lại bị sản phẩm thủy sản giá rẻ, đặc biệt là tôm của Ecuador cạnh tranh quyết liệt. Thêm vào đó, Mỹ cũng đang xem xét thêm thuế chống trợ cấp đối với tôm VN.

Ông Lĩnh lo ngại nếu bị áp thuế, sản phẩm này sẽ rất khó cạnh tranh và tồn tại ở thị trường Mỹ. Thị trường Nhật Bản có tình hình kinh tế tương đối khả quan nhưng đây lại là thị trường khó tính trong tiêu dùng và giá cả ổn định. Mà đối với sản xuất trong nước thì chi phí nguyên liệu của VN vẫn cao hơn các nước như Ấn Độ, Ecuador hay Indonesia. Bên cạnh đó, các chi phí hoạt động khác của DN cũng có xu hướng tăng.

Các hãng tàu cần chia sẻ với DN

Trả lời Thanh Niên, các DN trong lĩnh vực logistics hoạt động vận chuyển hàng hóa từ VN sang Mỹ, đi châu Âu đều có chung nhận định, rằng cuộc khủng hoảng hiện nay có thể đẩy giá cước quay lại thời đỉnh điểm như đại dịch Covid-19.

Chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty SeaAir Global, cho biết các hãng tàu đã gửi thông báo tăng giá cước từ cuối năm 2023, mức tăng khoảng 50% là thấp nhất và có tuyến cao nhất tăng đến gấp 3 lần. Tất cả DN xuất khẩu đều bị "bấn loạn" vì thông tin này. Trong đó, hàng đông lạnh bước đầu bị thiệt hại vì đa số đơn hàng đã hoàn tất, các đơn hàng nội thất đi Mỹ cũng bị ảnh hưởng lớn. Trong ngắn hạn, khó có giải pháp khả dĩ để áp dụng, giảm thiệt hại cho DN. Một số đơn vị đang đưa giải pháp tạm thời là… tạm ngưng xuất hàng đi Mỹ, bởi tiếp tục là "chết" luôn vì cước vận tải biển tăng đột ngột quá. Nhưng đó là giải pháp trì hoãn tình thế!

"Hiện có 2 phương án là chuyển sang đường hàng không nếu khối lượng hàng xuất đi ít, cước mắc hơn nhưng đổi lại thời gian đi rất nhanh, vẫn có thể chấp nhận được. Phương án 2 là đánh cược vào các hãng tàu vẫn còn đi tuyến bình thường qua biển Đỏ, như hãng tàu biển Cosco chẳng hạn, và mua bảo hiểm "cướp biển". Song thực tế phí bảo hiểm "cướp biển" trong tình huống này rất cao", ông An dự liệu.

Về lâu dài, trong quý 1/2024, theo chuyên gia, tình hình về chi phí cước vận tải biển "chưa có gì khả quan" do tàu vẫn phải tránh tuyến qua kênh đào Suez và biển Đỏ, đều thông báo tăng giá cước trong quý đầu năm. Trong đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu container rỗng dẫn đến giá cước vận tải biển tăng đột biến và gây lũng đoạn thị trường logistics, vận tải biển. Với tình hình hiện nay, tuy xảy ra cá biệt tại vùng biển, song đẩy khó khăn cho DN còn "tệ" hơn cả hồi dịch xảy ra. Lý do, nền kinh tế thế giới đang bị kiệt quệ trong năm qua, VN đang nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, việc tăng mạnh giá cước vận tải biển lúc này không chỉ ảnh hưởng đến DN, ảnh hưởng cả nền kinh tế. Ông Trường An đề nghị đến lúc các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng… cùng ngồi với các hãng tàu để trao đổi, chia sẻ khó khăn, đặc biệt là chia sẻ chi phí...

Đồng quan điểm, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN logistics, nhận xét: DN khá bị động bởi xung đột xảy ra ở nước ngoài, điều không ai mong muốn nhưng nó đã và đang xảy ra. Quan trọng nhất là mong chờ vào sự can thiệp của phía Mỹ, châu Âu nhằm bảo đảm an ninh hàng hải. DN chỉ biết nghe ngóng, tránh tối đa để ách tắc hàng hóa, nhưng quan trọng nhất vẫn là chi phí. "Trong thời gian tới, Hiệp hội dự kiến sẽ làm việc với các hãng tàu, trao đổi, đề xuất với các hãng tàu nước ngoài nhằm có giải pháp chia sẻ khó khăn, chi phí với DN. Hiện ngoài cước vận tải tăng vì phải đi đường vòng, DN phải chịu thêm áp lực mua phí bảo hiểm, chi phí này quá lớn…", ông Hiệp cho biết.

DN chủ động đa dạng hóa phương thức giao hàng

Trước tình hình căng thẳng tại biển Đỏ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) gửi khuyến cáo đến các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics. Theo đó, DN tăng cường theo dõi, cập nhật tình hình để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác; chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. Cùng với đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến khích DN chủ động tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng. Tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng. Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo DN khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.

Thách thức mới với DN thủy sản

Đây có thể là một thách thức mới cho DN thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, thậm chí có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng sức cạnh tranh và lợi nhuận của DN.

Đại diện VASEP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.