Xuất khẩu surimi và bột cá đặt mục tiêu đạt kim ngạch 1 tỉ USD

22/12/2023 12:11 GMT+7

Trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam thu về 300 - 420 triệu USD từ sản phẩm surimi, xuất khẩu bột cá xấp xỉ 200 triệu USD và đang hướng đến mốc 1 tỉ USD trong tương lai gần.

Xuất khẩu surimi và bột cá đặt mục tiêu đạt kim ngạch 1 tỉ USD - Ảnh 1.

Xuất khẩu surimi đang có tiềm năng tăng trưởng kim ngạch trong tương lai

LAF

Ngày 22.12, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội nghị thành lập Câu lạc bộ surimi và bột cá thuộc VASEP. Đây là nhóm ngành đặc trưng và tiêu biểu tạo nên chuỗi kinh tế tuần hoàn của ngành thủy sản. Nhóm ngành này không chỉ tạo công ăn việc làm cho nông, ngư dân và người dân tại các địa phương, mà còn đóng góp đáng kể cho kinh tế thủy sản của đất nước và chăn nuôi nói chung.

Theo VASEP, trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam thu về 300 - 420 triệu USD từ sản phẩm surimi xuất khẩu, bao gồm cả surimi cá biển và surimi cá tra, chiếm 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Còn đối với bột cá, Việt Nam mỗi năm sản xuất 530 - 540.000 tấn, trong đó xuất khẩu 200.000 - 280.000 tấn, bao gồm cả bột cá sản xuất từ cá biển và bột cá sản xuất từ phụ phẩm cá tra, kim ngạch xấp xỉ 200 triệu USD. 

Trong số hàng trăm sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến, tươi, sống, khô… thì surimi là một phân khúc có dư địa và tiềm năng phát triển vì đặc thù phù hợp của nghề cá trong nước cũng như xu hướng gia tăng tiêu thụ của thị trường thế giới. So với cùng kỳ, các thị trường xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam ngày càng được mở rộng hơn. Hiện các sản phẩm chả cá và surimi đã xuất được sang hơn 40 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn không đủ bù đắp cho lượng sụt giảm tại các thị trường chính. 

Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chả cá và surimi số 1 của Việt Nam, nhưng từ đầu năm nay xuất khẩu sang thị trường này giảm liên tục. Cũng như các thị trường khác, năm nay tỷ lệ lạm phát tại Hàn Quốc ở mức cao đã ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng thủy sản của người dân nước này. Cùng với Hàn Quốc, các thị trường lớn khác là Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang giảm mạnh nhập khẩu surimi của Việt Nam. 

Theo VASEP, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm là thị trường lạm phát và kinh tế khó khăn còn về lâu dài, ngành sản xuất, xuất khẩu surimi đang và sẽ phát triển mạnh vì được đánh giá là sản phẩm thủy sản phổ biến, được sử dụng như một thành phần quan trọng trong một số món ăn, đặc biệt là trong ẩm thực châu Á. Ngoài ra, người tiêu dùng ưa chuộng surimi vì giá trị dinh dưỡng cao, thời hạn sử dụng phù hợp. Hiện Việt Nam có hơn 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng chả cá và surimi. 

Theo ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và địa phương, vấn đề lớn nhất của ngành chế biến surimi và bột cá là quy trình bảo quản cá đánh bắt, nước thải môi trường và nguồn nhân công tay nghề cao. Nếu giải quyết được những vấn đề này thì ngành surimi và bột cá sẽ sớm gia nhập vào câu lạc bộ tỉ USD trong tương lai gần. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.