Xuất khẩu bật tăng
Trong 2 - 3 năm gần đây, ngành sản xuất chế biến hạt điều đang gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh, xung đột chính trị trên thế giới, suy thoái kinh tế trên toàn cầu khiến người tiêu dùng hạt điều phải cắt giảm chi tiêu. Mặc dù vẫn giữ vị thế là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới nhưng quy mô và tốc độ tăng trưởng của ngành điều Việt Nam đang trên đà giảm sút.
Bất ngờ trong vòng 3 tháng đầu năm nay, khi hầu hết các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, đồ gỗ, cà phê, cao su... đều sụt giảm thì mặt hàng điều lại có bước tăng trưởng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 3 vừa rồi đạt 60.000 tấn, trị giá 355 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 48,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 122.000 tấn, trị giá 708 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ 2022.
Nếu tính về con số tăng trưởng, mặt hàng hạt điều có thể nói là đang dẫn đầu, cao hơn cả ngành rau quả.
Tại một số thị trường, hạt điều Việt đang có tín hiệu cạnh tranh tốt. Điển hình tại Nhật Bản, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn nhất vào thị trường nước này. Tương tự, tại hai thị trường quan trọng nhất là Mỹ và Trung Quốc, hạt điều Việt Nam vẫn đang chiếm lĩnh với vị trí dẫn đầu.
"Xanh vỏ đỏ lòng"
Dù bức tranh xuất khẩu ngành điều khá lạc quan nhưng khi được hỏi về tình hình của các doanh nghiệp điều Việt Nam, đại diện trong ban lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã phải thốt lên: "Doanh nghiệp đang lỗ te tua, lỗ rất nặng. Một nghịch lý hiện nay là doanh nghiệp càng bán càng lỗ. Nhưng không bán thì không xoay xở được nguồn tiền".
Một doanh nghiệp khác (xin được giấu tên) chia sẻ: "Tình hình chung của các doanh nghiệp điều hiện nay là không có vốn để hoạt động. Lãi suất quá cao trong khi giá bán hạt điều không thể tăng cao, thậm chí người mua ở nước ngoài còn ép giá thấp vì người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp chúng tôi đã gồng gánh nợ nần từ năm trước, đến nay đã không gồng được nữa, buộc phải bán ra để xoay vốn. Lỗ cũng phải bán, vì vậy mà nhìn trên tổng thể số lượng xuất khẩu tăng cao nhưng thực tế doanh nghiệp điều hầu hết đều thua lỗ".
Thống kê cho thấy, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam tháng 3.2023 ước đạt mức 5.913 USD/tấn, tăng 2,6% so với tháng 2.2023, nhưng giảm 1,2% so với cùng thời điểm năm trước. Tính chung quý 1/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của nước ta ước đạt mức 5.826 USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, cho biết: "Rất nhiều doanh nghiệp điều gặp khó khăn vì các vòng xoáy áp lực. Có doanh nghiệp thì vướng vào đầu tư bất động sản, gặp khó về nguồn vốn. Có doanh nghiệp gánh lãi suất cao để đầu tư nhà máy, kho bãi, chi phí cao nhưng giá bán ra thấp dẫn đến thua lỗ. Và có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thô về bán, đến nay vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục về thuế và đứng trước nguy cơ vướng vào pháp lý".
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đ.V.T. (47 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV SXTM T.T.; địa chỉ tại P.Long Phước, TX.Phước Long, Bình Phước) để điều tra về hành vi buôn lậu hạt điều. Theo ông Vũ Thái Sơn, thực tế hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp ngành điều có hoàn cảnh tương tự. Vì vậy họ vẫn hoạt động nhưng không biết sẽ bị xử lý lúc nào.
Tâm lý hoang mang và vòng luẩn quẩn nợ nần đã khiến nhiều doanh nghiệp hạt điều như ngồi trên đống lửa.
Về mặt thị trường, đại diện Vinacas cho biết, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vẫn có, nhưng sức cạnh tranh hiện nay rất lớn vì các hệ thống siêu thị ưu tiên mua hàng giá rẻ, và khó chấp nhận việc tăng giá trong thời điểm hiện tại.
Bình luận (0)