Xuất nhập khẩu sẽ vượt 600 tỉ USD

09/11/2021 10:16 GMT+7

Bộ Công thương dự báo xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt 600 tỉ USD trong năm nay, tức tăng hơn 10% so với năm 2020 (đạt 545,4 tỉ USD).

Trong đó, từ tháng 1 - 10 năm nay, xuất khẩu (XK) cả nước ước tính đạt 267,93 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính hết tháng 10, Việt Nam vẫn còn nhập siêu 1,45 tỉ USD, song nhiều dấu hiệu cho thấy XK đã và đang tăng tốc mạnh mẽ trong 2 tháng cuối năm. Đặc biệt, cán cân thương mại hằng tháng đang giảm dần nhập siêu.

Đẩy mạnh khai thác các hiệp định FTA

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty thực phẩm Sao Ta, cho biết hoạt động XK tôm cuối năm nay của cả nước dự báo sẽ đạt bằng hoặc thậm chí cao hơn cả năm 2020, khoảng trên 3,8 tỉ USD. Mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành, nhưng các địa phương đã linh hoạt trong phòng chống dịch, theo đúng kế hoạch của Chính phủ đưa ra, là không ngăn sông cấm chợ toàn bộ, nên các doanh nghiệp (DN) đã hoạt động ổn định. Trong đó, chỉ riêng kim ngạch XK cả năm nay của Sao Ta sẽ đạt trên 210 triệu USD, tăng hơn 10% so với năm trước.

Dự báo cho năm tới, ông Hồ Quốc Lực cho hay rất khó để nói chính xác vì vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh trên toàn thế giới. Nhưng một phần nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn đang hồi phục đã kéo theo nguồn cung ở nhiều nước như Việt Nam. Vì vậy, nếu không có nhiều bất ngờ, kim ngạch XK tôm của Việt Nam năm sau cũng sẽ duy trì và sẽ tăng trưởng hơn năm nay. Riêng Sao Ta vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng 5 - 10% cho năm 2022.

Xuất khẩu năm 2021 dự báo vẫn tăng hơn năm trước

Dũng Minh

Cũng trong ngành nông nghiệp, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ Trung An, công ty đang đưa 11.111 tấn gạo lên tàu để xuất đi Hàn Quốc và chuẩn bị xuất tiếp lượng tương đương cũng sang xứ sở kim chi này trong tháng cuối năm. “XK gạo tăng rất tốt sau khi nền kinh tế mở cửa hoạt động trở lại. Nhờ vào các hiệp định thương mại ký kết với EU, Anh…, đơn hàng XK gạo cao cấp của công ty tăng rất tốt bất chấp Covid-19. Dự báo trong năm, kim ngạch XK gạo của Trung An có thể tăng 60 - 70% so cùng kỳ năm ngoái”, ông Bình chia sẻ.

Trong khi đó, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, nhận định sau khi Việt Nam đã mở cửa hoạt động sản xuất, đơn hàng đã sáng hơn. Khả năng với đơn hàng đã có và nỗ lực hoạt động của DN thì kim ngạch XK cả ngành năm 2021 sẽ bằng năm vừa qua, ở mức khoảng 19 tỉ USD hoặc chỉ giảm nhẹ. Một trong những điều khó dự báo nhất hiện nay là lực lượng lao động của toàn ngành đang bị thiếu hụt khoảng 20% và cần phải có thời gian để phục hồi. Nếu diễn biến dịch tại Việt Nam vẫn như hiện nay và tốt hơn, ngành giày năm 2022 sẽ có mức tăng trưởng trên 12%. Do Việt Nam bắt đầu khai thác được cơ hội từ các hiệp định thương mại đã ký. Các thị trường XK da giày chính trên thế giới vẫn chưa nước nào có khả năng chiếm vị trí số hai của Việt Nam (như Indonesia đứng sau Việt Nam nhưng sản lượng chỉ bằng một nửa)...

Đã đến lúc phải nâng tầm sản phẩm, đóng gói chuyên nghiệp hơn, tập trung xuất hàng chính ngạch mới thắng được các bạn hàng lân cận như Thái Lan, thậm chí là Lào.

Ông Vy Công Tường, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn

Bộ Công thương đã đưa ra dự báo xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt 600 tỉ USD trong năm nay, tức tăng hơn 10% so với năm 2020 (đạt 545,4 tỉ USD). Để đạt được con số này, Bộ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại ra các nước đặc biệt từ nay đến cuối năm. Việt Nam đang có thuận lợi khi khai thác hiệu quả các hiệp định tự do thương mại (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng DN trong nước đang có lợi thế. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường XK, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

“Đặc biệt, Bộ sẽ làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, XK hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước”, Bộ Công thương thông tin.

EU, Mỹ không quá khó tính với nông sản Việt?

Trong 10 tháng, XK sang Trung Quốc ước đạt 44,68 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 16,67% tổng kim ngạch XK của cả nước. Hiện nay, các mặt hàng trái cây, rau củ, thủy hải sản từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải bị kiểm tra chặt chẽ 100%, thậm chí Trung Quốc vẫn duy trì kiểm tra Covid-19 trên bao bì hàng thủy sản đông lạnh từ thủy sản sống Việt Nam sang, khiến hàng hóa vào Trung Quốc lúc nào cũng bị chậm hơn so với hàng hóa từ các nước lân cận.

Ông Vy Công Tường, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cho hay thực tế, XK nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đang bị thiệt thòi hơn so với hàng hóa cùng loại từ Thái Lan. Theo phản ánh của các DN XK, 100% hàng rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc đều phải xếp hàng chờ hải quan phía Trung Quốc kiểm tra. Trong khi đó, mặt hàng cùng loại từ Thái Lan chỉ kiểm tra khoảng 30%. Lý do là khâu truy xuất nguồn gốc, đóng gói, bao bì của Thái Lan rất chuyên nghiệp, trong khi hàng Việt Nam lại chưa làm tốt, đa số xuất theo thùng, không đóng gói.

“Do giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa ký Hiệp định thư XK nông sản, nên hàng phải bị kiểm tra 100% khi sang Trung Quốc. Việc này sẽ gây ảnh hưởng cho nông sản Việt xuất qua thị trường này, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Do phải kiểm tra toàn bộ, nên hàng được thông quan chậm hơn, tiêu thụ ít hơn nguồn cung thực tế. Song về lâu dài, đây là cơ hội để DN Việt khắc phục những nhược điểm của mình. Đã đến lúc phải nâng tầm sản phẩm, đóng gói chuyên nghiệp hơn, tập trung xuất hàng chính ngạch mới thắng được các bạn hàng lân cận như Thái Lan, thậm chí là Lào”, ông Tường nhận định.

Trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trung bình mỗi ngày, có khoảng 5.000 - 6.000 tấn rau quả các loại từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới. Trước dịch, trung bình mỗi ngày 9.000 - 10.000 tấn. Trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc đa số đi bằng đường tiểu ngạch, chủ yếu thanh long, chuối, xoài… Nếu có ký kết Hiệp định thư, theo ông Tường, tức là trái cây Việt Nam được đóng gói một cách chuyên nghiệp, truy xuất nguồn gốc tốt, bảo đảm đủ quy định Trung Quốc đưa ra như hàng Thái thì XK rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều. “Nếu mọi thứ đã “vào guồng”, DN thậm chí sẽ bán được hàng nhiều hơn”, ông Tường nhấn mạnh.

Ông Hồ Quốc Lực lại cho rằng những quy chuẩn mới của Trung Quốc nếu so với những thị trường như Mỹ, Nhật, châu Âu không cao hơn, nên cũng không làm khó được các DN lớn. Tuy nhiên, sẽ có một số DN nhỏ có thể bị ảnh hưởng, nhưng điều đó cũng sẽ giúp họ thay đổi, nâng chất lượng sản phẩm và có thể là cơ hội để mở rộng sang nhiều thị trường khác. Chuyên gia XK Nguyễn Thanh Lâm (Việt kiều Đức) nhận xét thêm rằng qua quan sát, DN Việt tận dụng khá tốt các FTA. Tuy nhiên, đâu đó còn có sự bị động do ảnh hưởng quá kéo dài bởi dịch Covid-19. Thị trường EU hay Mỹ với hàng nông sản Việt không quá “khó tính” như chúng ta mặc định lâu nay. Khi đã tiếp cận được rồi, cơ hội rất lớn. DN nên bỏ tư duy rằng hàng mình phẩm cấp thấp, bán loanh quanh thị trường nội địa thôi, hay bán thô, bán ra nước ngoài sợ bị chê… Đó là quan niệm hết sức sai lầm. Bớt XK sang Trung Quốc, nhưng cơ hội bán được hàng giá cao hơn tại các thị trường khác nếu chịu khó đầu tư hơn, vẫn tốt hơn nhiều.

Phải tận dụng FTA để mở rộng thị trường

Từ ngày 1.1.2022, Trung Quốc sẽ chính thức áp dụng 2 lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 “Quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”. Dự kiến các quy định mới này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các DN sản xuất thực phẩm của Việt Nam đã và đang có nhu cầu XK hàng sang Trung Quốc. Thông tin từ Bộ Công thương, đến nay bộ này cũng đã hoàn tất việc đăng ký cho 88 DN XK thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.