Mới đây, chị Lâm Thị Hương (28 tuổi, điều dưỡng tại Bệnh viên Thống Nhất TP.HCM), làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 đã chia sẻ trên mạng xã hội bài viết dạng một lá thư gửi con trai của mình.
Đó là tâm tình của người mẹ khi đứng trước quyết định sẽ cho con cai sữa để tham gia công tác tiêm vắc xin Covid-19 cho cộng đồng và đăng ký vào đội ngũ chống dịch:
“Mẹ yêu con, mẹ cũng yêu nghề, yêu đất nước này!
Giữa lúc Sài Gòn đang nước sôi lửa bỏng như thế này, mẹ thật sự thấy hạnh phúc khi mẹ được cùng đồng nghiệp chiến đấu hết mình. Từ đợt dịch đầu tiên là tháng 1 năm ngoái, lúc mẹ biết có con trên đời là lúc đồng nghiệp mẹ làm đơn xin ra vùng đệm, vùng nguy cơ cao chống dịch. Mẹ đã ở lại làm vòng trong, vì sự an toàn của con. Mẹ ước mẹ có thể phân thân ra làm nhiều người, chăm sóc tốt cho con mà cũng có thể cùng đồng nghiệp mẹ chiến đấu hết mình. Giữa yêu nghề và gia đình mẹ đã chọn con.
|
Đến giờ, khi con được 8 tháng, mẹ đã quyết định cai sữa để tiêm vắc xin, mẹ hiểu rằng môi trường mẹ làm việc có quá nhiều nguy cơ, mẹ phải an toàn để bảo vệ con và gia đình nhỏ của chúng ta. Sau đó mẹ đã đăng ký vào đội tiêm vắc xin cộng đồng sau bao ngày suy nghĩ đắn đo và sự động viên của gia đình mình. Mẹ đã được gọi tên vào đội tiêm vắc xin của bệnh viện. Dù biết là có nguy cơ rất cao, nhưng nó làm mẹ không cảm thấy dằn vặt với bản thân, đồng nghiệp của mẹ. Gia đình mình cũng động viên và ủng hộ làm mẹ cảm thấy ấm áp và an tâm làm việc. Dù là rất mệt, làm việc 12 giờ liên tục trong bộ đồ bảo hộ, mẹ còn không dám bỏ khẩu trang ra uống nước. Nhưng cái cảm giác mình được làm việc có ý nghĩa, được góp một phần sức nhỏ bé của mình vào công cuộc đẩy lùi đại dịch, mẹ đã rất vui và cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Trộm vía con trai mẹ ở nhà với bà rất ngoan, không đòi hay khóc bà, mẹ cũng yên tâm phần nào.
Ngay lúc này mẹ chỉ hy vọng rằng dịch bệnh qua mau, mọi thứ trở về như bình thường để con có một tuổi thơ vui vẻ chứ không phải suốt ngày trong bốn bức tường, để mẹ có thể an tâm đi làm. Mẹ con mình cùng cố gắng nhé!”
Sau khi đăng tải trên Facebook, lá thư trên đã nhận được hơn 26.000 lượt thích và chia sẻ từ cộng đồng mạng.
“Thấy vui vì đã làm việc có ích”
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, chị Lâm Thị Hương cho biết chị vừa trải qua đợt công tác trong vòng hơn một tuần hồi cuối tháng 6 ở đội tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm đối tượng là công nhân ở các khu công nghiệp, những người có nguy cơ cao.
Để đảm bảo an toàn, mỗi khi xong công việc, chị Hương và nhóm công tác được khử khuẩn trước khi ra về. Cứ khoảng 3 ngày, bệnh viện tạo điều kiện để đoàn công tác xét nghiệm lại Covid-19.
“Trong lúc tham gia công tác tiêm vắc xin Covid-19, chúng tôi vẫn phải cách ly với các đồng nghiệp khác và về nhà cũng hạn chế tiếp xúc với gia đình, nhất là nhà có con nhỏ. Việc đầu tiên khi về nhà là tắm rửa, giặt đồ riêng rồi mới dám lại ôm con”, chị Hương cho biết.
Ban đầu, khi quyết định sẽ đăng ký tham gia tình nguyện cho công tác tiêm vắc xin cộng đồng, chị Hương không nhận được ủng hộ từ gia đình. Sau khi làm công tác tư tưởng, cuối cùng gia đình cũng đã đồng ý và hết mình động viên cho chị Hương ra "chiến tuyến".
Chị Hương cho biết khi mới vừa cai sữa, con chị cũng khó chịu và khóc trong 3 ngày đầu. Sau đó, bé bắt đầu quen dần và ngoan hơn, chị Hương cũng phần nào yên tâm khi để con ở nhà cho bà chăm sóc.
Trong những đợt dịch lần trước, vì con còn quá nhỏ nên chị không thể trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch. “Lúc đó, tôi cảm thấy có một chút buồn và thấy biết ơn các đồng nghiệp nhiều lắm. Tôi lại là một đoàn viên thanh niên mà không thể dốc hết sức khoẻ, sức trẻ của mình cùng các bạn nên cảm giác như mình bị vô dụng”, chị Hương chia sẻ.
|
Hiện tại chị Hương đang đợi điều động cho đợt công tác tiếp theo. Chị mong rằng dịch sẽ sớm được khống chế, đồng nghiệp và mọi người được bình an.
“Mọi người tự ý thức bảo vệ bản thân an toàn đã là giúp đỡ cộng đồng rất nhiều. Chỉ cần mỗi cá nhân nghĩ cho mình và cho gia đình mình thôi thì dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế”, nữ điều dưỡng có bức thư gửi con trai 8 tháng tuổi đầy xúc động, nhắn nhủ.
Bình luận (0)