(TNO) Cư dân mạng đang lan truyền câu chuyện xúc động về cậu bé hơn 2 tuổi (27 tháng) bị mẹ bỏ rơi, cha không thừa nhận, thức khuya tới 0 giờ bên xe bột chiên cùng ông bà ngoại hằng đêm…
|
0 giờ đêm ngủ đến 12 giờ trưa
22 giờ đêm ngày 17.8, xe bột chiên hết hàng, bà Nguyễn Thị Liên Hoa (62 tuổi) vừa dọn bàn vừa cười với khách: “Hết bột chiên mất rồi chú ơi, xin lỗi chú, mai ghé ủng hộ ông bà già nghe”. Khách than sao nay hết hàng sớm quá vậy, bà Hoa cười: “Hôm nay đông các cô chú đến ủng hộ nên hết hàng sớm”.
|
Câu chuyện về cậu bé Nguyễn Thanh Tuấn (27 tháng tuổi) bị cha mẹ bỏ rơi, phụ bán bột chiên cùng ông bà ngoại lan truyền trên mạng khiến xe bột chiên của bà Hoa thêm đông khách. Hai ngày nay nhiều người tới ăn bột chiên ủng hộ, người cho quà bánh vì thấy thằng bé đáng yêu lại đáng thương.
Xe bột chiên của bà Hoa bắt đầu bán từ 16 giờ tới 23 giờ hằng ngày. Hôm nay hết hàng sớm cũng đã hơn 22 giờ, lọ mọ rửa bát đĩa thu dọn về tới nhà cũng tới gần 1 giờ sáng. Do vậy, mới hơn 22 giờ, bé Tuấn đã buồn ngủ, líu ríu bám áo ông đòi lấy xe cho bé nằm.
Bà Hoa kể: “Tới 12 giờ trưa nhiều khi phải đánh thức thằng bé mới dậy, phải cho nó dậy để ăn bữa trưa. Ngủ trễ, tối lại bận bán hàng nên ai cho gì ăn nấy thôi”.
Tuấn nặng 9,8 kg, cao 82 cm. Khi mới sinh ra, Tuấn đã còi cọc, bà Hoa bảo một phần do người mẹ 17 tuổi của cậu bé, chị T.D (con gái bà Hoa) không đủ sữa cho con bú. Đến khi Tuấn 14 tháng tuổi, mẹ bỏ đi, cậu bé hoàn toàn lớn lên bằng nước cơm và sữa bột do những người hảo tâm cho.
Một ngày, chị D. xin mẹ mấy chục ngàn mua đồ cá nhân, hỏi mượn lại chứng minh thư của mình mà bố đang giữ rồi bỏ đi biền biệt.
Xe bột chiên bên góc đường Điện Biên Phủ - Phùng Khắc Khoan (quận 1, TP.HCM) nuôi hai vợ chồng bà Hoa và ba người con suốt 24 năm, nay lại nuôi thêm bé Tuấn.
|
Bà Hoa bảo: “Hồi mẹ nó mới đi, thằng bé khóc nhiều, cho ăn cũng khó”. Hai ông bà già vừa trông bé Tuấn không ngừng tìm kiếm đứa con gái út nhưng đến giờ vẫn bặt vô âm tín.
Nhiều lúc muốn cho người khác nuôi cháu
|
Con trai lớn của bà Hoa làm nghề bảo vệ đã lập gia đình và ở rể bên nhà vợ cách xa bà. Người con trai thứ 2 của bà thì cờ bạc mang sổ đỏ căn nhà tập thể trên đường Nguyễn Phi Khanh của gia đình cầm cố nên bị bà đuổi ra khỏi nhà. Gia đình chỉ còn hai vợ chồng già, không có ai chăm sóc Tuấn, không đủ tiền gửi cậu bé ở nhà trẻ nguyên ngày nên cậu bé đành cùng ông bà ngoại đi bán bột chiên.
Ông Sách (ông ngoại bé Tuấn) bảo: “Tuấn biết thân, biết phận nghèo nên nuôi cũng dễ lắm. Từ bé tới giờ không ốm đau gì, mấy hôm nay vừa bệnh lần đầu, họ chích vào chân đau cũng chỉ mếu một lát”.
Điều bà Hoa băn khoăn khi nuôi Tuấn không phải là việc cho cháu ăn, cháu mặc, mà là do mình đã lớn tuổi không biết mất khi nào, không đủ sức dạy cháu, nó lớn lên dại dột hư hỏng.
Thấy cậu bé lanh lợi đáng yêu, thỉnh thoảng biết bê ghế ra mời khách ngồi, một vài người tìm tới vợ chồng bà Hoa ngỏ ý muốn xin Tuấn để nuôi với lý do mưa nắng ngoài đường thế này làm khổ thằng bé.
Bà Hoa rớm nước mắt kể: “Bán hàng ở ngoài đường, trời mưa gió thấy nó ôm cột dù ướt nhẹp tôi cũng thương lắm. Người ta hứa nếu cho nó về ở với họ sẽ cho nó ăn mặc đầy đủ, cho đi nhà trẻ học hành, đổi lại giấy tờ cho nó có cha có mẹ. Có lúc tôi cũng mủi lòng, định gật đầu cho một gia đình tử tế nuôi để nó khỏi chịu cảnh mưa nắng ngoài đường. Nhưng rồi về nhà nghĩ lại, vợ chồng già ngoài 60 tuổi không biết sống được bao ngày nữa, nhưng còn bán hàng được chả nhẽ lại bán con vứt cháu”.
|
Đúng 15 giờ chiều Tuấn lay bà ngoại tắm. Đó là dấu hiệu cậu bé nhắc nhở bà ngoại đi tắm rửa chuẩn bị dọn hàng bán lúc 16 giờ. Mặc dù bán hàng ngay cạnh công viên Lê Văn Tám, nhưng do công việc chuẩn bị nguyên liệu chiếm hết thời gian trong ngày, mỗi tuần bà Hoa chỉ có thể thu xếp được một buổi đẩy hàng sớm để đưa Tuấn dạo công viên vài vòng.
Sợ mang tiếng "diễn trò"
Tuấn lớn lên bằng tình thương của cả những người xung quanh xe bột chiên. Tối tối, cứ khoảng 20 giờ, chị Lê Thị Kim đẩy xe bánh bèo qua góc ngã tư, nghe tiếng rao của chị, Tuấn lò dò xách dĩa ra. Thằng bé cúi đầu “ạ” lớn rồi nhận 2 cái bánh nậm từ chị Kim mang về góc tường tự ăn.
Chị Đoàn Thanh Mai, chủ tiệm áo cưới Neo Phạm trên đường Phùng Khắc Khoan, kể: “Từ hồi 13-14 tháng, thằng bé đã theo ông bà ngoại đi bán hàng. Khôn lắm, mưa nhỏ chui vào dù, mưa lớn biết chạy vào nhà tôi để trú mưa”.
Ngay cả quần áo mặc của Tuấn bà Hoa cũng không phải mua, có nhiều vị khách tới đây ăn bột chiên cho cháu. Tết vừa rồi, có đoàn từ thiện tới tặng sữa, uống đến giờ vẫn chưa hết. Từ lúc hình ảnh cháu được đưa lên mạng có rất nhiều người tới cho đồ cho tiền. Ai hỏi, bà Hoa cũng thật thà chia sẻ, nhưng ngại ngùng dặn thêm: “Cám ơn các cô chú thương cháu, nhưng thôi xin các cô chú đừng đưa cháu lên mạng nhiều, lớn lên xem lại sợ nó buồn người ta nói mẹ bỏ”.
|
Bà Hoa tâm sự: “Tấm lòng của mọi người nhưng nói thật nhiều khi tôi chỉ muốn từ chối. Biết là không nhận thì phụ lòng mọi người, người ta lại bảo mình nghèo mà còn làm phách, nhưng nhận nhiều tôi ngại lắm. Sợ người ta nói mang thằng bé ra diễn trò, xin bố thí lòng thương của mọi người...”.
Nhiều người cho Tuấn tiền nói để lo cho em đi học, số tiền đó bà Hoa để dành riêng, tính mua bảo hiểm, phòng lúc ông bà nằm xuống.
Bà Hoa bảo, bán bột chiên bà cũng để dành được một khoản nho nhỏ, định năm học mới này xin cho Tuấn vào học ở trường mầm non cạnh nhà trên đường Nguyễn Phi Khanh, tính ra mỗi tháng tiền học cũng mất gần 2 triệu đồng.
Ngập ngừng một lát, bà Hoa nói thêm: “Thằng bé giờ nghe ai nhắc tới mẹ là đi ra, gọi bà ngoại, biết đâu mẹ nó nghe được tin con lớn ngoan nên trở về”.
Tới 0 giờ, xe bột chiên được thu dọn xong và đẩy vào ngõ nhỏ trên đường Điện Biên Phủ gửi nhờ, vợ chồng bà Hoa ẵm cháu leo lên chiếc xe 67 về căn nhà tập thể trên đường Nguyễn Phi Khanh. Lúc này, thằng bé đã lăn ra ngủ say mèm.
Bài, ảnh: Minh Tâm
>> Đứa bé đi lạc và vòng đời 22 năm
>> Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi
>> Bé trai hơn 2 tuổi bị bỏ rơi
Bình luận (0)