Xúc động hồi ức của các cựu thanh niên tình nguyện

07/09/2023 07:21 GMT+7

Tại chương trình gặp gỡ và biểu dương các thế hệ thanh niên tình nguyện của TP.HCM, những ai có mặt đều xúc động với những hồi ức của một thời thanh xuân…

Hồi ức về những ngày đầu của các chương trình, chiến dịch Tình nguyện hè TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Bí thư Thành đoàn, nguyên Chỉ huy trưởng Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè năm 1994, kể từ những ngày đầu với 700 sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã lập nên 11 mặt trận ở H.Bình Chánh, mỗi xã là một mặt trận, quyết tâm làm sao xóa được mù chữ cho người dân ở đây. Dưới ánh đèn dầu của đêm khuya, hay dưới những đêm trăng sáng, bên trong những mái lá nghèo, các bạn sinh viên mang tinh thần của người trẻ, ra sức giải quyết dứt điểm công tác xóa mù chữ, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.

Xúc động hồi ức của các cựu thanh niên tình nguyện - Ảnh 1.

Chị Bùi Thị Thúy Bắc kể về hạnh phúc từ những ngày hè tình nguyện đầy nắng

Độc Lập

"Mặc dù chiến dịch chỉ có 3 tháng ngắn ngủi, nhưng thanh niên tình nguyện được cùng sống, cùng sinh hoạt với bà con, đã giúp cho các bạn thấu hiểu hơn về cuộc sống để từ đó điều chỉnh hành động trong đời sống hằng ngày của mình ngày một có ích và ý nghĩa hơn", ông Nguyễn Hoàng Năng bày tỏ.

Cùng chung cảm xúc, ông Võ Tấn Thông, Đảng ủy viên, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, nguyên Bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng nhớ lại những ngày đầu với 30 sinh viên tình nguyện đạp 30 chiếc xe đạp đi về các huyện nội thành của TP.HCM, sau đó mới giương ngọn cờ chính thức của Chiến dịch tình nguyện Ánh sáng văn hóa hè năm 1994 và phát triển thành các chương trình, chiến dịch Tình nguyện hè như ngày hôm nay.

Đến năm 2000, các trường ngồi lại với nhau để cùng bàn nếu chỉ bó hẹp thì sẽ không phát huy được hết chuyên môn và thế mạnh của các trường. "Riêng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có thế mạnh là xây dựng cầu, làm đường… Sau đó, chúng tôi đã đổ quân đầu tiên về H.Giồng Trôm của tỉnh Bến Tre để làm cầu bê tông xóa cầu khỉ, xây dựng trường mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng... Đến nay, thầy và trò của trường đã xây dựng được gần 300 cây cầu, 300 km đường giúp cho 6 huyện ở 3 tỉnh miền Tây trong tiến trình xây dựng nông thôn mới", ông Võ Tấn Thông chia sẻ.

Cả hội trường đã xúc động khi nghe chị Bùi Thị Thúy Bắc, giảng viên chuyên trách của Trung tâm bồi dưỡng chính trị H.Chợ Lách (Bến Tre), cựu chiến sĩ tình nguyện Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), kể về hạnh phúc từ những ngày hè tình nguyện đầy nắng, và cũng từ đó, chị Thúy Bắc tìm được hạnh phúc của đời mình.

"Những ngày hè tình nguyện ở H.Chợ Lách năm đó, cứ 7 giờ sáng chúng tôi đi làm công trình đến chiều tối về cùng nhau tổ chức tọa đàm, giao lưu văn nghệ, dạy xóa mù chữ… Những ngày hè đó của chúng tôi được các anh chị địa phương gọi là "Mùa hè đỏ". Chúng tôi đã để lại nhiều công trình mang đậm dấu ấn của sức trẻ và những tình cảm không thể nào quên đối với các cô chú ở địa phương và những hộ gia đình nuôi quân năm đó", chị Thúy Bắc kể.

Trong mạch cảm xúc, chị Thúy Bắc kể tiếp: "Ngày kết thúc chiến dịch, chúng tôi đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của những hộ gia đình nuôi quân. Trong hành lý mang về, chúng tôi đã mang theo biết bao nhiêu kỷ niệm và tình cảm quý mến của người dân nơi đây. Cũng nhờ Mùa hè xanh năm đó, tôi đã gặp được chân ái, hạnh phúc của đời mình, anh là người địa phương và là Phó bí thư Xã đoàn. 19 năm sau, cũng trên mảnh đất Cái Mơn, Chợ Lách con gái tôi cũng gặp được một sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh của Đoàn Trường ĐH Bách khoa. Sau 3 năm các con tìm hiểu, đầu năm 2023, gia đình tôi đã có thêm một thành viên mới cũng nguyên là chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.