Xúc động người mẹ suýt mất con vì mổ ruột thừa khi thai tuần thứ 17

02/06/2020 12:15 GMT+7

Hành trình mang thai và sinh con với nhiều người phụ nữ đã là rất khó khăn nhưng còn vất vả và đau đớn hơn khi họ trải qua ca phẫu thuật, đối diện với nguy cơ mất con ngay trước ngày "vượt cạn".

Mổ ruột thừa tuần thứ 17, suýt mất con

Chị H.T.C.N (29 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) từng trải qua một quá trình mang thai đầy khó khăn vì ngoài những vất vả thường gặp khác trong quá trình mang thai như ốm nghén, việc ăn uống, động thai… chị không may bị viêm ruột thừa ở tuần thứ 17 thai kỳ.
Nhớ lại những ngày tháng mang thai đứa con đầu lòng năm 2015, chị C.N. nói rằng đó là những ngày liên tục chị mệt mỏi và lo lắng nhiều lúc chỉ biết bật khóc.
“Thai được 3 tuần mình ốm nghén tới mức không ăn uống được gì, kể cả nước lọc. Mình chỉ cầm hơi bằng sữa đặc có đường pha loãng thêm đá, mỗi lần uống 2 thìa sau 5 phút mình lại ói ra hết. Cứ cầm cự như vậy suốt 16 tuần đầu thai kỳ mình mới bắt đầu có cảm giác ăn được trở lại. Thời gian đó mình còn bị động thai, ra máu sẫm nên mình phải nằm trên giường một tháng, mọi nhu cầu đều được người nhà phục vụ, bản thân không thể đi ra ngoài được”, chị C.N. nhớ lại.

Thương con trai đã chịu nhiều thiệt thời từ trong bụng mẹ nên vợ chồng chị C.N. luôn dành những điều tốt nhất cho con để bù đắp

Không có 9 tháng 10 ngày mang thai êm đềm, đến tuần thứ 17, chị C.N. bị đau ruột thừa, vì thai đã lớn nên bác sĩ cho biết chị không thể phẫu thuật nội soi mà phải phẫu thuật theo phương pháp cũ. Sau đó chị liên tục chịu những cơn đau mà không được sử dụng nhiều thuốc giảm đau vì sẽ ảnh hưởng đến bào thai.
Chị kể lại: “Đêm ấy đã khuya mình đau bụng, mình đoán ngay là bị ruột thừa vì đau góc phải gần rốn, khi co chân phải đau nhiều hơn. Mình lên mạng tìm kiếm cũng ra triệu chứng y như vậy. Lúc đó mình nằm chờ tới sáng để đi viện, sợ và khóc nhiều lắm vì mình lo em bé sẽ có chuyện. 14 giờ ngày hôm sau mình vào phòng mổ của bệnh viện tỉnh”.
Khi chỉ còn một thời gian không lâu chị C.N. và gia đình sẽ được chào đón đứa con đầu lòng ra đời nhưng không may trước khi lên bàn phẫu thuật ruột thừa, chị lại một lần nữa bật khóc khi biết đặt mình lên bàn mổ đồng nghĩa chấp nhận nhiều khả năng sẽ không giữ được em bé.
Xúc động người mẹ suýt mất con vì mổ ruột thừa tuần thứ 17 thai kỳ

Vợ chồng chị C.N. kỷ niệm 5 năm ngày cưới

“Mình biết bác sĩ yêu cầu chồng và gia đình mình ký giấy đồng ý cho mổ vì có thể không giữ được em bé trong lúc thực hiện ca mổ. Dù không ai nói cho mình biết điều này nhưng vô tình mình thấy bác sĩ yêu cầu ba mẹ và chồng mình vào phòng để nói chuyện, chồng mình ký giấy gì đó và sau đó anh bước ra ngoài nắm chặt tay mình, mắt đỏ hoe", chị kể.
"Lúc ấy, mình chỉ im lặng khóc, đầu óc rối rắm. Trước khi vào bàn mổ mình ôm ba mẹ và chồng và lúc ấy mọi người chỉ còn biết cầu mong cho hai mẹ con bình an”, chị C.N. nói.
Ca phẫu thuật thành công, mẹ con chị C.N. được an toàn nhưng khi hết thuốc gây tê sau ca phẫu thuật chị lại không may mắn khi xuất hiện triệu chứng nôn ói vì không hợp thuốc. Thêm vào đó, vết mổ rất đau nhưng không được dùng nhiều kháng sinh khiến chị nhiều lần bật khóc vì phải cắn răn chịu đựng cơn đau.
Xúc động người mẹ suýt mất con vì mổ ruột thừa tuần thứ 17 thai kỳ

Vợ chồng chị luôn hạnh phúc bên nhau

 

“Cám ơn con đã cùng mẹ vượt qua”

Sau những ngày tháng đau đớn và lo lắng cho bào thai, có lẽ may mắn cũng đã mỉm cười với gia đình chị C.N., bởi việc chị sinh con khá nhẹ nhàng. 16 giờ 30 chị có triệu chứng đau mạnh đầu tiên, đến 22 giờ chị vào bàn sinh. Chị C.N. sinh thường và hạnh phúc vỡ òa khi 23 giờ 10 phút cùng ngày con trai của chị chào đời khỏe mạnh.
Mang thai ở tuổi 24, chị C.N. đã chuẩn bị rất kỹ càng về những điều nên, không nên làm khi mang thai, cách chăm sóc con sau khi sinh, việc tiêm các loại vắc xin… Nhưng vẫn không lường trước được biến cố phải mổ ruột thừa.
Khi đã “vượt cạn” thành công, đến nay cũng đã gần 5 năm nhưng những ngày tháng ấy, chị C.N. có lẽ không bao giờ quên được.  
“Là người làm mẹ, mang con trong mình, mình cảm thấy bản thân quá may mắn vì con trai đã cùng mình vượt qua mọi khó khăn, đau đớn từ khi chưa chào đời. Mình phải cảm ơn con đã cùng mình vượt qua tất cả. Con mình đã thiệt thòi nhiều, 4 tháng đầu mình không ăn được bất kỳ thứ gì, lại thêm động thai phải uống nhiều thuốc, sau đó lại uống thuốc khi mình mổ ruột thừa. Chắc bị ảnh hưởng nên bé chậm lật, chậm đi và bé không bò, trườn hay ngồi. Bù lại bé rất thông minh, lém lỉnh và có trí nhớ tốt”, chị vui vẻ kể.
Con trai của chị C.N. chỉ mới 4 tuổi, vì muốn để con có một ký ức thật ngọt ngào nên cho đến hiện tại chị chưa bao giờ kể cho bé nghe những ngày đau đớn, khó khăn mà hai mẹ con đã cùng nhau vượt qua trong thai kỳ.
“Thương con nên mình luôn cố gắng hết sức lo cho bé được sống trong điều kiện tốt nhất có thể và vợ chồng mình đợi bé lớn hơn, khoảng 7 - 8 tuổi mới sinh em bé tiếp theo vì con đã thiệt thòi, nay còn nhỏ mà có em lại càng thiệt thòi hơn”, chị ngậm ngùi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.