Xúc phạm người khác trên mạng xã hội

12/05/2013 04:00 GMT+7

Việc một thành viên mạng xã hội Facebook thóa mạ người mẫu Ngọc Trinh là “gái rẻ tiền” trong những ngày vừa qua một lần nữa đã gióng hồi chuông báo động thực trạng công khai văng tục, lăng mạ người khác trên mạng xã hội ngày càng phổ biến.

Chửi cả ông bà, thầy cô

Suốt trong thời gian qua, hàng loạt vụ việc tương tự đã xảy ra. Nữ sinh Q.A. khi bị bà ngoại nhắc nhở về chuyện học hành, đã lên Facebook để chửi bà với những lời lẽ thô tục và cách xưng hô như với những người ngang hàng phải lứa. Nữ sinh H.K. đang học tại một trường THPT ở Hà Nội viết lên tường Facebook với những ngôn từ khó nghe, xúc phạm thầy cô như “con điên”, “quái vật”. Hay nữ sinh K.C. đã “tâm sự” về bà của mình: “bà được ví không khác gì "súc vật", chỉ suốt ngày biết "vạch áo cho người xem lưng". Không những thế còn rất xấu tính và hèn nhát”.

Chưa kể đến có không ít lần dân mạng đã nổi sóng vì nạn kỳ thị vùng miền, chủng tộc, qua đó nhiều người đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác… bằng những ngôn từ dung tục. Những câu chuyện tương tự xuất hiện nhan nhản và ngày càng nhiều hơn trên các mạng xã hội Facebook, YuMe hay Youtube.

 
Ngọc Trinh khóc khi bị xúc phạm trên mạng xã hội 

Đó là những bình luận nhận xét một đoạn phim với những lời lẽ khó chấp nhận; là những hội nhóm anti- fan (người chống đối) một ca sĩ, người mẫu, họ không ngần ngại công khai chửi rủa, bình phẩm. Thậm chí, nhiều thành viên còn đăng những hình ảnh, trạng thái trên trang cá nhân, sau đó kêu gọi bạn bè của mình vào “ném đá hội đồng”, xúc phạm người khác một cách thậm tệ. Chưa kể đến việc hiện có hàng ngàn thành viên tham gia những hội…“thích chửi tục”, “thích chửi thề” trên Facebook...

Hay như  mới đây, khi ba thanh niên bị cảnh sát trục xuất ra khỏi một lễ hội văn hóa thường niên ở Riyadh, thủ đô Ả Rập Saudi vào ngày 14.4 vì “quá đẹp trai” gây sốt cộng đồng mạng,  khá đông thành viên Facebook Việt Nam vào những trang cá nhân, Fan Page được cho là của họ để... chửi nhau, thậm chí không ngần ngại chửi cả thành viên người nước ngoài với lời lẽ vô cùng phản cảm.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định, hiện nay nhiều bạn trẻ đã không ý thức được những bình luận của mình trên Facebook, thích hùa nhau theo “tâm lý đám đông” khi liên tục bình luận những câu mang tính chất cãi vã, nhục mạ, đá xéo người khác, chửi nhau tục tĩu một cách vô tội vạ.

Trao đổi với Thanh Niên về nguyên nhân của thực trạng này, thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, Trung tâm đào tạo kỹ năng và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, cho rằng mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, nhưng chính sự tự do một cách tối đa trên những trang mạng này cũng đã tạo điều kiện cho không ít cá nhân bộc phát thói quen "phản biện" người khác ở một góc độ tiêu cực hơn - góc độ xúc phạm đến ngoại hình, giới tính, chuyên môn - nghề nghiệp,... khiến nhân vật chính ít nhiều bị tổn thương. Có thể nhìn nhận nguyên nhân của hành vi này dưới hai khía cạnh: “Đó là “do mình”, do nhân vật chính bất cẩn có những phát ngôn, những hình ảnh khơi mào cho những trận chiến ngôn ngữ "lành" và "tục", đồng tình và phản bác, thông cảm và xúc phạm,... Và “do người”, nghĩa là nhiều người nghĩ rằng nói xấu hay nhục mạ người khác chính là lúc bản thân  đang được thể hiện “cái tôi”, “cái bản lĩnh” to đùng của mình, chứng tỏ mình đang hơn người khác”, thạc sĩ Nhung phân tích.

Thạc sĩ Nhung khuyên, mỗi người khi tham gia các mạng xã hội hãy nhớ một nguyên tắc, đó là đừng bao giờ chỉ trích một ai đó, vì khi giơ tay “chỉ trích” người khác thì cũng sẽ có ít nhất “ 3 người – (3 ngón tay còn lại của chính bạn)” đang chỉ trích và tố cáo ngược lại. Và tất cả những cuộc khẩu chiến đều không đi đến một kết thúc đẹp.  

Bình luận

“Không đơn giản mà ông bà ta có câu: “Ngôn là người”, việc dùng những lời lẽ nhục mạ nhân phẩm người khác chứng tỏ những bạn ấy có một “nền tảng” văn hóa quá yếu kém, thể hiện một cách rõ nét hình ảnh “xấu xí” của chính mình”, (Lê Quang/ Facebook).

“Hình ảnh của những kẻ có sở thích hay nhục mạ người khác sẽ trở nên xấu xí trong mắt của cộng đồng, của những người xung quanh. Không ai có thể tin tưởng mà kết bạn với những người có hình ảnh như vậy”, (Việt Trần/ YuMe).

“Chửi rủa, xúc phạm người khác bằng những lời lẽ tục tĩu dường như đang trở thành một trào lưu cực xấu của thành viên các mạng xã hội. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là trào lưu này ngày càng thu hút mọi người”, (Thành Lâm/ Facebook).

Xuân Phương

>> Những cái tên nổi tiếng nhất trên mạng xã hội
>> Tom Cruise tham gia mạng xã hội Nga
>> Sẽ xây dựng mạng xã hội cho thanh niên
>> Google+ trở thành mạng xã hội lớn thứ 2 toàn cầu
>> Kết nối thanh niên qua mạng xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.