Xúc tiến du lịch kiểu cầu may

18/04/2016 05:06 GMT+7

Tại tọa đàm về xúc tiến du lịch sáng 17.4, do Hiệp hội Du lịch VN tổ chức ở Hà Nội, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, chia sẻ câu chuyện về 50 doanh nghiệp (DN) tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB ở Đức vừa qua.

Tại tọa đàm về xúc tiến du lịch sáng 17.4, do Hiệp hội Du lịch VN tổ chức ở Hà Nội, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, chia sẻ câu chuyện về 50 doanh nghiệp (DN) tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB ở Đức vừa qua.

“Đây là một trong những hội chợ du lịch uy tín nhất trên thế giới. Nhưng nhiều DN kêu tốn tiền mà ko biết đi có được gì không. Họ chỉ cầu may khi đi túm được DN nào đó để kết nối làm ăn”, ông nói.
Nhưng không chỉ ở ITB vừa qua, mà rất nhiều DN khi đi hội chợ nước ngoài do Tổng cục Du lịch tổ chức đã nằm trong tình trạng cầu may như vậy. Điều này có thể thấy qua việc miệt mài in ấn phẩm du lịch để mang ra nước ngoài phát, mà theo bà Đặng Bích Thọ, một người làm xúc tiến lâu năm, mang như thế chỉ khổ đi xin giảm cước trong khi hiệu quả không thể bằng đĩa hoặc USB ghi tư liệu. Nó càng không hiệu quả bằng những sản phẩm du lịch làng nghề tặng khách tham quan, rất trực quan nên hút khách. Thực tế, những hội chợ bà Thọ từng tham dự, nhiều khách sau khi nhận sản phẩm làng nghề đã mách bạn bè tới tìm hiểu sản phẩm, để rồi qua đó chính là văn hóa VN được quảng bá, là những hợp đồng ký kết lâu dài.
Cũng theo ông Bình, nhiều DN tham dự hội chợ, trong đó có 80% DN vừa và nhỏ, “không biết gì lắm nhưng vẫn cứ đi dự hội chợ xúc tiến ở nước ngoài”, thậm chí cả thiết kế gian hàng DN cũng không quan tâm. Lý do đi xúc tiến chỉ đơn giản là “nếu không đi thì tiếc”, vì hiện các hội chợ ở nước ngoài Tổng cục Du lịch sẽ dùng ngân sách nhà nước để mua mặt sàn, DN khi tham gia sẽ tiết kiệm được chi phí đó. “Trình độ họ thiếu, quan hệ họ không có, lại không chuẩn bị thì đi như thế là cầu may”, ông Bình nói và cho rằng để xảy ra thực trạng này có lỗi từ chính cách tổ chức quản lý của Tổng cục Du lịch. Bản thân ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng, cũng biết những trường hợp “sang đấy vật vờ chẳng biết làm gì” nhưng cứ kệ cho tham gia.
Giải pháp cho thực trạng trên, nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng Tổng cục Du lịch nên tái thành lập Cục Xúc tiến du lịch để việc triển khai sự kiện và giải ngân kinh phí thuận lợi; tổ chức tập huấn về công tác xúc tiến cho các DN. Bản thân DN cần thay đổi tư duy, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi xúc tiến, nhằm thu được các hợp đồng hợp tác làm ăn, đầu tư, thu hút du khách, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người VN. Về phía hiệp hội, các DN cho rằng cũng nên có trung tâm xúc tiến để cùng họ tổ chức xúc tiến du lịch.
Rõ ràng, việc thiếu kiến thức lại làm việc cầu may đang khiến xúc tiến du lịch VN như dàn nhạc không có nhạc trưởng. Nó loạn xạ và lãng phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.