Xung đột bộ lạc Papua New Guinea vượt vòng luật tục

21/02/2024 06:45 GMT+7

Chiến đấu theo luật tục từng là cách giải quyết mâu thuẫn giữa các bộ lạc Papua New Guinea, trước khi bạo lực leo thang do dòng tiền và vũ khí hiện đại.

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape tối 19.2 tuyên bố sẽ trao quyền bắt giữ cho quân đội, sau khi bạo lực bộ lạc chết người tái diễn tại đảo quốc này. Hình ảnh gây sốc cho thấy những thi thể chất chồng trên xe tải sau vụ phục kích tại tỉnh Enga hôm 18.2. Đài NBC đưa tin hầu hết những người chết thuộc 2 bộ lạc Sikin và Kaikin vốn từ lâu thường xuyên xung đột với bộ lạc Ambulin. Thông tin chưa chính thức cho thấy có đến 64 người thiệt mạng.

Luật tục giao chiến

Xung đột bộ lạc vốn là điều thường xuyên xảy ra ở Papua New Guinea, theo luật sư Oliver Nobetau của chính phủ nước này. Năm ngoái, xung đột bộ lạc tại Enga khiến 60 người thiệt mạng. "Bạo lực bộ lạc là hiện tượng phổ biến và chính phủ với nguồn lực hạn chế sẽ cố gắng triển khai cảnh sát tới bất cứ nơi nào họ có thể để hạn chế các vấn đề ảnh hưởng an ninh", theo tờ The Standard dẫn lời ông Nobetau.

Xung đột bộ lạc Papua New Guinea vượt vòng luật tục- Ảnh 1.

Các chiến binh một bộ lạc tại tỉnh Enga ở Papua New Guinea

The Australian

Papua New Guinea nằm ở tây nam Thái Bình Dương và vùng cao nguyên nước này có hàng triệu người sống trong các cộng đồng tách biệt do địa hình hiểm trở. Việc tiếp cận đất đai, mùa màng và gia súc thường có ý nghĩa sống còn đối với những bộ lạc nhỏ hơn.

Một lãnh đạo cộng đồng nổi tiếng tại tỉnh Enga cho biết xung đột bộ lạc thường được dùng để giải quyết mâu thuẫn tại hầu hết các khu vực cao nguyên từ trước thời thuộc địa (năm 1884). Ông cho biết các chiến binh sẽ thiết lập một vùng chiến trường với những quy tắc nghiêm ngặt. "Từ xa xưa đã có những quy tắc như không được giết trẻ em, phụ nữ, người già và người khuyết tật", lãnh đạo cộng đồng ẩn danh này kể. Luật tục từ xưa là việc giết chóc chỉ được tiến hành trong khu vực chiến trường và chỉ được chiến đấu với các bộ lạc láng giềng.

Bạo lực leo thang

Theo Đài ABC, trong khi bạo lực bộ lạc không phải là chuyện lạ ở Papua New Guinea, tình trạng này trong vài năm qua đã leo thang do các yếu tố như việc tiếp cận vũ khí, cũng như chính quyền và luật pháp chưa đủ nghiêm minh. Tiến sĩ nhân chủng học Linus Digim'Rina tại Đại học Papua New Guinea cho biết dòng tiền đã chảy vào khu vực và nhiều vũ khí cũng theo vào, khiến các cuộc chạm trán trở nên đẫm máu hơn.

Tờ The Guardian dẫn nhận định của ông cho rằng sự bùng nổ xung đột gần đây không phản ánh văn hóa truyền thống vì nó đã phớt lờ những giới hạn về chính trị, xã hội và những "luật bất thành văn" của chiến đấu trong quá khứ.

Mâu thuẫn giữa các bộ lạc chủ yếu xuất phát từ tranh chấp đất đai, trong khi thiếu sự hiện diện của lực lượng chức năng. Bạo lực thường dai dẳng chứ hiếm khi 2 bên đàm phán thành công để đạt thỏa thuận chung. Do đó, tranh chấp và thù hận ngày càng gay gắt qua các thế hệ. Nhằm đối phó tình trạng sử dụng vũ khí tràn lan trong tội phạm và xung đột bộ lạc, Quốc hội Papua New Guinea hồi năm 2018 đã thông qua luật siết quản lý súng, với mức phạt lên đến 5 năm tù giam hoặc 300.000 USD đối với hành vi sử dụng súng trái phép. Hành vi chế tạo súng trái phép cũng đối diện mức phạt đến 10 năm tù giam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sẵn sàng tham gia những vụ bạo lực cực đoan vốn tiếp tục gia tăng. Nghị sĩ Philip Undialu, cựu thống đốc tỉnh Hela, nói rằng trong các thế hệ trước đây, xung đột giữa các bộ lạc là có tổ chức và được điều chỉnh bởi luật tục, nên chính quyền địa phương biết ai tham gia và cần đàm phán với ai để nhanh chóng giải quyết và hạn chế đổ máu. Tuy nhiên, ông cho rằng các thế hệ hiện đại dễ dàng xung đột nhưng lại ít theo phương thức truyền thống, nên bạo lực ngày càng leo thang.

"Nếu tất cả chúng ta muốn nói không với các cuộc chiến bộ lạc, cần thu lại tất cả súng, trình báo mọi loại tội phạm cho cảnh sát và để pháp luật điều hành, chúng ta có thể thay đổi quan điểm của mình theo chiều hướng tốt hơn", ông kêu gọi.

Hơn 600 bộ lạc

Theo trang World Population Review, Papua New Guinea có hơn 600 bộ lạc và khoảng 840 ngôn ngữ khác nhau. Từng là thuộc địa của Anh rồi đến Úc, Papua New Guinea tuyên bố độc lập vào năm 1975. Chính phủ Papua New Guinea ước tính dân số cả nước là khoảng 10 triệu người, dù một nghiên cứu của LHQ vào năm 2022 ước tính con số này lên đến 17 triệu. Đa số người dân làm nông và sinh sống theo hình thức tự cung tự cấp. Đảo quốc này có trữ lượng các tài nguyên đáng kể gồm vàng, nickel và khí thiên nhiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.