Xung đột Nga - Ukraine đứng trước chuyển biến lớn

17/02/2025 05:00 GMT+7

Rạn nứt mới nhất trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu có thể đưa chiến sự tại Ukraine đi theo những kịch bản khó đoán.

Xung đột Nga - Ukraine sắp tròn 3 năm, hiện là thời điểm tình thế trên chiến trường đang diễn biến căng thẳng, đồng thời có khả năng đánh dấu giai đoạn mới trong chuyển biến chính trị. Mỹ và châu Âu từng thống nhất trong vấn đề hỗ trợ Ukraine nay đang rạn nứt, trong bối cảnh những gói viện trợ cho Kyiv được dự báo gặp thách thức trong thời gian tới.

Châu Âu họp khẩn

Những hành động đơn phương của Mỹ nhằm tìm giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine được cho là đã làm mất lòng các đối tác châu Âu lẫn chính quyền Kyiv. Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tuần trước, theo sau là cuộc nói chuyện giữa ngoại trưởng hai nước, hai bên tiếp tục có kế hoạch tiếp xúc song phương vào tuần này, với cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao diễn ra tại Ả Rập Xê Út, sự kiện mà Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay Kyiv không được mời. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh sẽ không tham gia thảo luận với Nga trước khi tham vấn các đối tác chiến lược, theo báo The Guardian.

Pháp sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp châu Âu về Ukraine

Trước những diễn biến mới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải tổ chức họp khẩn giữa các lãnh đạo châu Âu, khi lo ngại ngày càng gia tăng về kịch bản Mỹ cho châu Âu "ra rìa" và kiểm soát tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine. Theo lời Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski, châu Âu cần chủ động trong bối cảnh ông Trump thực hiện chiến thuật kiểu "trinh sát thông qua chiến đấu", tức Mỹ sẽ tung ra quyết sách, sau đó chờ phản ứng từ các bên, rồi dựa vào đó để thay đổi. Trong khi đó, đặc phái viên của ông Trump về vấn đề Nga và Ukraine, ông Keith Kellogg ngày 15.2 nhấn mạnh châu Âu sẽ không trực tiếp tham gia quá trình đàm phán, trừ khi thực sự mang đến những đề xuất cụ thể và cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.

Xung đột Nga - Ukraine đứng trước chuyển biến lớn- Ảnh 1.

Phái đoàn của Phó tổng thống Mỹ JD Vance gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14.2

ẢNH: AP


Thế khó cho Ukraine

Cục diện chiến sự Ukraine năm nay được dự báo sẽ đối mặt với những chuyển biến lớn, khi bối cảnh địa chính trị khu vực thay đổi. Tổng thống Zelensky nhấn mạnh lập trường Nga phải rút khỏi những vùng lãnh thổ đã kiểm soát kể từ khi phát động chiến dịch quân sự, song đây được xem là điều không thực tế.

Việc ông Trump giảm hiện diện của Mỹ tại châu Âu và Ukraine là điều đã được dự báo trước. Song theo tờ Financial Times dẫn lời chuyên gia Marc Pierini (Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, Mỹ), châu Âu đang đứng trước thời điểm quan trọng và đầy thách thức trong lịch sử hiện đại. Một mặt, EU đối mặt với sự cương quyết từ Nga, bên đang có lợi thế tại chiến trường Ukraine. Mặt khác, EU đối diện thực tế rằng liên minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ đang rạn nứt và Washington từ chỗ đồng minh thành bên gây sức ép cho châu Âu.

Ông Zelensky thừa nhận Ukraine ‘khó tồn tại’ nếu Mỹ không hỗ trợ quân sự

Việc bị kẹt trong tình cảnh các đối tác phương Tây bất đồng rõ ràng không có lợi cho Ukraine. Những năm qua, Kyiv không ít lần than phiền về việc chậm nhận vũ khí viện trợ từ phương Tây. Nay, bài toán cho Ukraine càng nan giải hơn khi quan hệ chính trị của các đồng minh bị trục trặc. Dù không đồng tình với một số lập trường của Mỹ, Tổng thống Zelensky vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của Washington, rằng cơ hội tồn tại của Ukraine sẽ rất thấp nếu không có Mỹ hỗ trợ quân sự. Ông vẫn nỗ lực thúc giục ông Trump ủng hộ hoàn toàn Ukraine chống lại Nga.

Giao tranh căng thẳng

Tình hình chiến trường Ukraine chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khi cuộc chiến chuẩn bị bước sang năm thứ tư. Báo Ukrainska Pravda đưa tin ngày 15.2 là ngày giao tranh khốc liệt nhất từ đầu năm 2025. Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine cho biết đã có ít nhất 250 cuộc tấn công diễn ra trong ngày này. Điểm nóng giao tranh nằm tại mặt trận TP.Pokrovsk ở Donetsk, miền đông Ukraine. Giới chức Ukraine hôm qua thông báo cuộc tấn công của Nga trong đêm đã gây hỏa hoạn cho một cơ sở hạ tầng quan trọng tại tỉnh Mykolaiv.

Quân đội Ukraine tuyên bố Nga tổn thất hơn 1.700 binh sĩ, 5 xe tăng và 84 thiết giáp trong ngày 15.2. Cùng ngày, TASS dẫn lời chuyên gia quân sự Nga nói Ukraine chỉ còn kiểm soát 20% thành phố chiến lược Chasiv Yar ở Donetsk. Cả hai bên đều không bình luận về các tuyên bố của đối thủ.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, Mỹ) nhận định Nga có thể thay đổi ưu tiên trong chiến dịch vào mùa xuân và hè năm nay. Theo đó, Bộ chỉ huy Nga có thể ưu tiên tấn công TP.Kostyantynivka ở phía bắc Pokrovsk. ISW đánh giá Nga đã tập trung đẩy mạnh chiến dịch nhằm vào phía nam thành phố chiến lược Pokrovsk trong tháng 12.2024 và tháng 1 năm nay, song các cuộc tấn công đã chậm lại từ tháng 2. Người phát ngôn lữ đoàn Ukraine hoạt động tại Pokrovsk cho biết các đợt tấn công nhằm vào thành phố này gần đây đã giảm nhiệt so với những tháng trước.

Liệu có xuất hiện thỏa thuận "Minsk 3.0" ?

Khi việc đàm phán về xung đột Ukraine vẫn chưa rõ ràng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hôm 13.2 nói tương lai của Ukraine "không nên trở thành Minsk 3.0". Ông Hegseth đề cập việc Kyiv và Moscow từng 2 lần ký thỏa thuận Minsk vào các năm 2014 và 2015 để ngừng bắn tạm thời ở vùng Donbass miền đông Ukraine. Tuy nhiên, cả hai thỏa thuận đều sớm bị phá vỡ và giao tranh lại tiếp diễn. Do đó, việc Ukraine và Nga ký thỏa thuận ngừng bắn không đảm bảo chắc chắn nó có thể được duy trì nếu không có các điều khoản ràng buộc mạnh mẽ. Bộ trưởng Hegseth tuyên bố an ninh của Ukraine thời hậu chiến sẽ phải được đảm bảo bởi "quân đội châu Âu và ngoài châu Âu" và không nằm trong phạm vi phòng thủ tập thể (Điều 5) của NATO. Ông nói châu Âu phải chịu trách nhiệm chính trong việc ủng hộ Ukraine và an ninh châu lục, khi Mỹ tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.