Xung đột Nga - Ukraine trước bước ngoặt

25/02/2025 05:34 GMT+7

Cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga đã bước vào năm thứ tư trong bối cảnh xảy ra chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh NATO trước áp lực cần chấm dứt chiến sự trong năm nay.

Hôm qua, cuộc đối đầu giữa Mỹ và châu Âu diễn ra tại trụ sở LHQ ở TP.New York (bang New York, Mỹ) về nghị quyết Ukraine. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ ý định sẵn sàng từ chức nếu NATO đồng ý kết nạp Kyiv.

Cuộc họp thượng đỉnh ở Kyiv

Hôm qua, tại thủ đô Kyiv, Tổng thống Zelensky đã tiếp đón phái đoàn các nhà lãnh đạo châu Âu và Canada dự lễ kỷ niệm tròn 3 năm chiến sự và thể hiện sự ủng hộ không lay chuyển đối với Ukraine. Trong số này có Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Antonio Costa, tổng thống hoặc thủ tướng các nước Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Lithuania, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Canada, theo AFP.

Đặc phái viên Mỹ hé lộ điều Nga-Ukraine phải làm để đạt thỏa thuận hòa bình

Bên cạnh các nhà lãnh đạo có mặt ở Kyiv, Tổng thống Zelensky cho hay có thêm 24 nhà lãnh đạo tham dự từ xa cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt giữa Ukraine và các đồng minh phương Tây để bàn về hướng đi mới cho Ukraine trong thời gian tới. Trước đó một ngày, nhà lãnh đạo cho hay sẵn sàng từ chức nếu điều này đổi được cho Ukraine cơ hội gia nhập NATO. Ông cũng muốn gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trước bất kỳ cuộc họp thượng đỉnh nào giữa chủ nhân Nhà Trắng và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Washington chưa phản hồi về đề xuất trên của ông Zelensky.

 - Ảnh 1.

Trụ sở Ủy ban Châu Âu ở Brussels (Bỉ) thượng cờ Ukraine bên cạnh cờ EU ngày 24.2

ẢNH: REUTERS

Trả lời phỏng vấn TASS hôm qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh Moscow muốn đạt được giải pháp hòa bình dài hạn với Ukraine, theo đó giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, chứ không phải là thỏa thuận ngừng bắn trước khi chiến sự nối lại. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bác bỏ khả năng ngừng bắn cho đến khi hòa đàm cho kết quả phù hợp với yêu cầu của Moscow.

Cuộc đối đầu ở LHQ

Hôm qua, Mỹ nộp dự thảo nghị quyết lên Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an kêu gọi "nhanh chóng kết thúc" xung đột, nhưng không đề cập đến toàn vẹn chủ quyền của Ukraine. Nga hiện kiểm soát những phần lãnh thổ Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson. Cùng ngày, Ukraine và hơn 50 nước khác cũng đưa ra dự thảo nghị quyết "đối đầu" Washington, yêu cầu chấm dứt xung đột trong năm nay.

Tổng thống Ukraine đặt điều kiện để sẵn sàng từ chức

Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước phải hợp tác để chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine, và tìm ra giải pháp tiến tới hòa bình công bằng và lâu dài cho Ukraine. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Trong cuộc chiến của sự sống còn, không phải chỉ vận mệnh của Ukraine đang bị đe dọa, mà còn cả châu Âu".

Trong động thái mới nhất của châu Âu nhằm điều chỉnh chiến lược về Ukraine, ông Costa thông báo sẽ chủ trì hội nghị khẩn cấp quy tụ 27 nhà lãnh đạo EU tại Brussels hôm 6.3, và Ukraine đứng đầu nghị trình làm việc. "Chúng ta đang sống trong thời khắc quyết định đối với Ukraine và an ninh châu Âu", ông Costa viết trên X.

EU tăng cấm vận Nga, thêm viện trợ cho Ukraine

Hôm qua, EU công bố gói cấm vận thứ 16 nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu nhôm, bộ điều khiển thiết bị bay không người lái, cũng như các chủ sở hữu và những nhà vận hành các đội tàu hàng hải bí mật vận chuyển dầu cho Nga, theo Reuters. Úc và New Zealand cũng công bố lệnh trừng phạt riêng đối với Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen thông báo chính quyền Kyiv vào tháng sau sẽ nhận được gói viện trợ mới trị giá 3,5 tỉ euro của EU. Còn Đan Mạch cam kết viện trợ 57 triệu USD cho nỗ lực nhân đạo và tái thiết của Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.